Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố bình thường hóa quan hệ song phương, dự luận quốc tế đã lập tức lên tiếng bày tỏ ủng hộ đối với quyết định lịch sử này của hai nước.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon tuyên bố LHQ sẵn sàng hỗ trợ giúp hai nước phát triển mối quan hệ mới. Phát biểu tại trụ sở LHQ, TTK khẳng định đây là một thông tin vô cùng lạc quan khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba đã tiến được một bước quan trọng trên con đường bình thường hóa quan hệ.
Các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định của Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro trong việc bình thường hóa quan hệ, đồng thời hối thúc Quốc hội Mỹ bãi bỏ lệnh bao vây phong tỏa quốc đảo này trong hơn nửa thế kỷ qua. Các nhà lãnh đạo khu vực hy vọng động thái trên sẽ giúp thúc đẩy sự thay đổi mang tính cách mạng, làm dịu sự đối đầu về hệ tư tưởng vốn chia rẽ các nước châu Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đánh giá cao quyết định lịch sử của ông Obama, khẳng định nhà lãnh đạo Mỹ đã thực hiện bước đi quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và người đồng cấp Argentina Cristina Fernandez cũng tuyên bố đây là quyết định đầy bất ngờ, đồng thời bày tỏ hy vọng về tương lai quan hệ của hai nước. Cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 47 Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) tại Argentina, các nhà lãnh đạo Paraguay, Uruguay và Bolivia cũng hoan nghênh việc Cuba và Mỹ thông báo khôi phục quan hệ ngoại giao, coi đây là một sự kiện lịch sử.
Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Jose Miguel Insulza tuyên bố quyết định của ông Obama đã xóa bỏ điều gây chia rẽ lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh. Ông Insulza kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng bãi bỏ lệnh bao vây phong tỏa thương mại mà Washington đã áp đặt lên Cuba hơn nửa thế kỷ qua.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz bày tỏ hy vọng các chính sách cấm vận đối với Cuba sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn và quan hệ hai nước sẽ được bình thường hóa vì sự ổn định của toàn khu vực.
Phóng viên TTXVN tại Mexico cho biết, trong tuyên bố đưa ra chiều 17/12, Tổng thống Enrique Peña Nieto ủng hộ việc Mỹ và Cuba tuyên bố bình thường hóa quan hệ, coi đây là một quyết định mang ý nghĩa lịch sử. Theo nhà lãnh đạo Mexico, quyết định trên sẽ đem lại lợi ích cho Cuba, mang lại quyền bình đẳng cho Cuba như các quốc gia khác tại châu Mỹ cũng như lợi ích cho hàng triệu người.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng đã chúc mừng các cuộc đối thoại thành công giữa Mỹ và Cuba, đồng thời bày tỏ vui mừng khi vai trò trung gian của Canada đã được ghi nhận trong việc đưa hai nước láng giềng xích lại gần nhau hơn. Trước đó, công bố về quyết định trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đều công nhận sự hỗ trợ của Canada trong các nỗ lực ngoại giao nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước.
Hãng tin Interfax ngày 17/12 dẫn phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moscow ủng hộ mạnh mẽ việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba. Ông Ryabkov khẳng định đây là bước đi ngoại giao đúng hướng vì hành động áp đặt trừng phạt đối với một quốc gia là không phù hợp với nền tảng pháp lý.
Người dân Cuba tuần hành tại thủ đô Havana sau khi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ được công bố ngày 17/12. Ảnh: AFP/ TTXVNLiên minh châu Âu (EU) coi việc Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ sau hơn 50 năm gián đoạn là "một bước ngoặt lịch sử". Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini nhấn mạnh thỏa thuận trên đại diện cho "một chiến thắng của đối thoại trước đối đầu". Bà Mogherini khẳng định EU mong muốn "mở rộng quan hệ với mọi bộ phận xã hội Cuba nhằm thúc đẩy tiến bộ kinh tế - xã hội và đối thoại".
Nhiều nước châu Âu cũng đã bày tỏ ủng hộ động thái ngoại giao tích cực của Mỹ và Cuba. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh đây là "bước đi đáng được hoan nghênh trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng". Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết đây là quyết định "Pháp mong đợi từ lâu" và sẽ được Mỹ dùng làm "bàn đạp" để sớm bãi bỏ cấm vận La Habana. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo khẳng định việc nối lại quan hệ ngoại giao sẽ "mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương Mỹ-Cuba", khép lại hơn 50 năm bất đồng và thù địch.
Từ Vatican, Giáo hoàng Francis ngày 17/12 cũng đã lên tiếng chúc mừng quyết định của Mỹ và Cuba. Tuyên bố của Giáo hoàng khẳng định Vatican luôn sẵn sàng giúp đỡ hai nước trong việc củng cố quan hệ song phương. Tòa thánh Vatican và trực tiếp là Giáo hoàng Francis, là đối tác trung gian quan trọng đã giúp Mỹ và Cuba xích lại gần nhau.
Ngày 17/12/2014 đã trở thành một dấu mốc lịch sử trong quan hệ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng thời công bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong thời gian tới. Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Obama, Bộ Tài chính Mỹ thông báo trong "vài tuần tới" sẽ sửa đổi các lệnh trừng phạt tài chính đối với Cuba.
TTXVN
Tags