(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù có một thế kỷ tiến bộ trong khoa học, năm 2020 có nhiều điểm tương đồng với năm 1918. Đây là hai thời điểm thế giới bùng phát đại dịch chết người, một là dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và dịch cúm Tây Ban Nha.
Năm 1918, không ai được tiêm vaccine phòng bệnh, điều trị hay chữa khỏi bệnh cúm khi đại dịch tàn phá thế giới và cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người. Tại thời điểm này, không một ai biết tới sự tồn tại của virus corona. Trong khi đó, khoa học hiện đại ngày nay đã nhanh chóng xác định được chủng virus corona mới, lập bản đồ mã di truyền và phát triển các bộ xét nghiệm chẩn đoán... Điều đó đã mang lại cho loài người nhiều cơ hội để hạn chế tổn thất.
Nhưng những cách để tránh bị nhiễm bệnh và phải làm gì khi bị bệnh thì ít thay đổi.
Ông John M.Barry - tác giả của cuốn sách "Đại dịch cúm" - cho rằng giống như COVID-19, đại dịch năm 1918 có nguồn gốc từ một loại virus đường hô hấp lây truyền từ động vật sang người theo cách tương tự và có bệnh lý tương tự. Giãn cách xã hội, rửa tay và mang khẩu trang là biện pháp phòng chống dịch bệnh tại thời điểm đó và cả trong dịch COVID-19 hiện tại.
- Nhật Bản viện trợ 800 triệu USD phát triển thuốc và vắc-xin chống dịch COVID-19
- Dịch COVID-19: Dự báo số ca tử vong tại Mỹ tăng mạnh sau khi nới lỏng giãn cách xã hội
- Chợ Nhân đạo: Thêm cơ hội giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong dịch COVID-19
Những chỉ dẫn y tế trong đại dịch 1918 vẫn hiệu lực cho đến ngày nay: đó là khi mắc bệnh, bạn hãy ở nhà, nghỉ ngơi trên giường, giữ ấm, uống nước nóng và ở yên trong nhà cho đến khi các triệu chứng qua đi. Đây là khuyến nghị của bác sĩ John Dill Robertson- Ủy viên y tế tại Chicago, Mỹ vào năm 1918. Ông cũng đưa ra lời khuyên người bệnh cần tiếp tục cẩn trọng trước nguy cơ biến chứng do viêm phổi và một số loại bệnh khác sau khi hết cúm.
Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa chủng virus năm 1918 và chủng virus 2020. Cúm Tây Ban Nha đặc biệt nguy hiểm đối với những người khỏe mạnh từ 20 đến 40 tuổi. Theo mô tả của ông Barry, khi bị virus xâm nhập cơ thể, các kháng thể của người bệnh bám đuổi chúng và hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ tung mọi vũ khí để đối phó với chúng. "Chiến trường" của trận chiến này là hai lá phổi.
Trong khi đó, đối tượng tấn công của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 phần lớn là người lớn tuổi, đặc biệt là những người có bệnh lý nền. Và hầu hết các nước sau khi dịch bệnh bùng phát cũng đã nhanh chóng công bố các quy định giãn cách xã hội, phong tỏa biên giới, đóng cửa trường học, cơ sở kinh doanh và tạm dừng các hoạt động kinh tế để khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Ước tính có khoảng 675.000 người Mỹ đã chết trong đại dịch cúm Tây Ban Nha, được cho là đã lây nhiễm tới 30% dân số toàn cầu.
Trong khi đó, sau khi dịch COVID-19 khởi phát tại Vũ Hán (Wuhan), Trung Quốc vào tháng 12/2019, đến nay đại dịch này đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người và khiến khoảng 3,6 triệu người nhiễm bệnh.
Lan Phương - TTXVN
Tags