(Thethaovanhoa.vn) - Giới chức Mỹ cũng như châu Âu đang gia tăng áp lực đối với Facebook và yêu cầu mạng xã hội này giải thích về vụ bê bối tiếp cận trái phép thông tin của 50 triệu người dùng.
- Facebook khẳng định không tự ý tiếp cận, cho phép tải dữ liệu người dùng
- Facebook là mảnh đất màu mỡ để khai thác thông tin người dùng
- Vì sao gười dùng chẳng mấy quan tâm tới bê bối Facebook
Ngày 26/3, Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) thông báo đã chính thức tiến hành điều tra Facebook và khẳng định cơ quan này quan ngại sâu sắc về công tác bảo vệ thông tin người dùng Facebook. FTC sẽ xác định mạng xã hội này có vi phạm các điều khoản của một sắc lệnh quy định Facebook phải nhận được sự đồng ý của người dùng về việc thu thập và chia sẻ dữ liệu cá nhân trên tài khoản hay không. Nếu FTC kết luận Facebook thực sự đã phá vỡ thỏa thuận này, công ty có thể phải nộp phạt lên tới hàng tỷ USD.
Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ cũng cho biết đã triệu Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cùng lãnh đạo của Alphabet và Twitter tới điều trần về vấn đề bảo mật dữ liệu. Dự kiến phiên điều trần diễn ra vào ngày 10/4 tới. Trong khi đó, Ủy ban Thương mại và năng lượng Hạ viện cùng Ủy ban Thương mại Thượng viện cũng đã đề nghị ông Zuckerberg tham dự một phiên điều trần trước Quốc hội.
Cùng ngày, một nhóm công tố viên của 37 bang nước Mỹ đã gửi một bức thư tới Facebook, đề nghị hãng này giải thích rõ về vai trò của mạng xã hội này trong vụ công ty tư vấn Cambridge Analytica có trụ sở tại Anh bí mật thu thập dữ liệu của người dùng. Bức thư nêu rõ vụ bê bối này đặt ra câu hỏi về các chính sách và hoạt động của Facebook, cũng như các cơ chế nhằm đảm bảo các dữ liệu cá nhân của người dùng mạng xã hội.
Tại châu Âu, Facebook cũng đang đối mặt với áp lực liên tục. Ủy viên Tư pháp của Liên minh châu Âu (EU) Vera Jourova đã yêu cầu hãng trong vòng 2 tuần có thông báo chính thức về việc có người dùng châu Âu nào bị ảnh hưởng trong vụ bê bối hay không. Bức thư của bà Jourova cũng nhấn mạnh vụ việc này đã ảnh hưởng xấu tới niềm tin đối với Facebook.
Bộ trưởng Tư pháp Đức Katarina Barley cũng đã có một cuộc gặp với đại diện của Facebook ở châu Âu. Trong cuộc gặp, bà Barley nêu rõ những xin lỗi và cam kết mà hãng này đưa ra là chưa đủ và trong tương lai các chính phủ cần giám sát chặt chẽ hơn các mạng xã hội cũng như có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và nhanh chóng hơn các trường hợp vi phạm bảo vệ thông tin người dùng.
Trong khi đó, tại Anh, giới chức London cho biết lực lượng điều tra nước này đang kiểm tra các dữ liệu thu được từ văn phòng của Cambridge Analytica.
Giá cổ phiếu của Facebook đã giảm 13% kể từ ngày 16/3, thời điểm hãng lên tiếng thừa nhận vụ bê bối, tương đương hơn 70 tỷ USD. Nhiều công ty lớn cũng đã rút quảng cáo khỏi mạng xã hội đông người dùng nhất thế giới như Mozilla, Commerzbank AG, Pep Boys... Trong 10 ngày qua, hãng đã thiệt hại 100 tỷ USD giá trị vốn hóa trên thị trường từ khi vụ bê bối "lộ sáng".
TTXVN
Tags