(Thethaovanhoa.vn) - Tại một buổi phát đồ từ thiện ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản), anh Yuichiro, 46 tuổi, rưng rưng xúc động khi nhận gói đồ thực phẩm cứu trợ giữa tiết trời Đông lạnh giá. Cũng giống như nhiều người lao động khác tại Nhật Bản, người đàn ông từng là công nhân xây dựng này rơi vào cảnh thất nghiệp, không cách mưu sinh khi đại dịch COVID-19 ập tới.
Anh chia sẻ nhiều người thậm chí phải ngủ ở các ga tàu điện, trong các thùng giấy các-tông và có những người đã chết vì đói. Một người khác cho biết thu nhập hằng tháng của anh giờ giảm xuống còn chưa đến 200 USD và anh chỉ còn đủ tiền trả 1 tháng tiền thuê nhà. Anh không muốn phải ngủ trên phố vì trời quá lạnh, nhưng không thể biết được mình sẽ phải làm gì tiếp theo.
Bùng phát dịch ở Nhật Bản - nền kinh tế thứ 3 thế giới - không nghiêm trọng như nhiều nước khác. Tokyo cũng hầu như không phải áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt như những nơi khác trên thế giới. Với tỷ lệ thất nghiệp dưới mức 3% và hệ thống phúc lợi xã hội đáng ngưỡng mộ, Nhật Bản được tin là có đủ điều kiện để ứng phó tốt với cuộc khủng hoảng kinh tế vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, những nhà hoạt động cho biết các nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất vẫn chịu tác động nghiêm trọng, trong khi các số liệu thống kê chưa phản ánh hết tỷ lệ thiếu việc làm cao và việc làm tạm thời với mức lương thấp.
Ren Ohnishi, người đứng đầu của Trung tâm hỗ trợ cuộc sống độc lập Moyai cho biết trong thời gian đại dịch hoành hành, tình trạng mất việc làm tăng, lương bị cắt giảm đã tác động trực tiếp tới những người lao động nghèo. Khoảng 40% người lao động làm những công việc bấp bênh với mức lương thấp và có thể bị chấm dứt hợp đồng một cách dễ dàng. Nhiều người cũng phải chật vật mới có thể tiếp cận các khoản phúc lợi.
Hơn 10 triệu người Nhật Bản sống với mức thu nhập chưa đến 19.000 USD/năm. Cứ trong 6 người thì có 1 người sống trong tình trạng "khá nghèo" với mức thu nhập thấp hơn một nửa mức thu nhập trung bình quốc gia.
Theo các chuyên gia kinh tế, khoảng 500.000 người Nhật Bản đã mất việc làm trong 6 tháng qua trong khi các nhóm vận động cho rằng những tác động của đại dịch đang lan rộng trong toàn bộ dân số Nhật Bản.
Những người vốn đã sống trong khó khăn nay càng thêm khốn khó vì tác động của đại dịch COVID-19. Các chuyên gia cảnh báo cú sốc kinh tế có thể khiến tỷ lệ tự sát tại Nhật Bản gia tăng, một thực trạng đã xảy ra trong khoảng cuối năm ngoái. Theo viện nghiên cứu NLI, tỷ lệ thất nghiệp tăng 1% có thể khiến số vụ tự tử trong một năm tại Nhật Bản tăng thêm 3.000 vụ.
- WHO nêu bật 3 bài học từ dịch Covid-19
- Dịch Covid-19 đến sáng 19/1: Thế giới có hơn 95,97 triệu ca bệnh, hơn 2,04 triệu ca tử vong
- Thêm 2 ca mắc Covid-19, 22 ca được công bố khỏi bệnh
Đặc biệt, phụ nữ Nhật Bản là nhóm chịu tác động mạnh vì nhiều người làm việc hợp đồng ngắn hạn trong lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng và khách sạn- những ngành chịu tác động nghiêm trọng do đại dịch.
Các chuyên gia cho biết phụ nữ thường ngại tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc cùng nam giới xếp hàng để nhận trợ cấp thực phẩm nhưng hiện có ngày càng nhiều phụ nữ và các bà mẹ đi cùng con nhỏ tới các sự kiện phát hàng từ thiện. Các nhà hoạt động cho rằng tỷ lệ đói nghèo ở Nhật chỉ là rất ít so với nhiều nước khác, nhưng điều này không có mấy ý nghĩa đối với những người đang phải vật lộn kiếm đồ ăn, nơi ở.
Lê Ánh/TTXVN
Tags