(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này, đất nước Panama đang bị cuốn vào trong một cơn bão cùng tên, đó là “Papeles de Panama”, hay “Hồ sơ Panama” dịch theo tiếng Tây Ban Nha, một kết quả do Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế thực hiện. Vậy, Panama có phải là thiên đường? Người Panama có sợ sự yên bình mà họ được hưởng bao lâu nay sẽ bị cơn bão ấy phá hủy?
Dân tình hồn nhiên: Đâu chỉ có Panama?
Đó là cụm từ mà bà Angelica, một nhà giáo người Panama nói với tôi khi cả hai trao đổi về vụ “Los Papeles de Panama” ở công viên Benito Juarez vào sáng 9/4 . “Trốn thuế và rửa tiền thì nước nào chả có, đâu riêng Panama. Tại sao Mỹ lại “đánh” chúng tôi.. Sao họ không điều tra Thụy Sỹ, Hồng Kong, Singapore và ngay cả Mỹ nữa. Đó mới là những thiên đường trốn thuế thực sự.
Panama mới đứng thứ 13 trong số các “thiên đường” đó, theo thông tin từ BBC. Sao trong danh sách vừa công bố không có tên một “gringo” (người giàu da trắng ở Mỹ) nào? ”, người bạn già mới quen nói với tôi một thôi một hồi như trút cơn bực bội trong người trước việc công ty Mossack Fonseca của Panama bị tố cáo về tội giúp giới nhà giàu trên khắp thế giới trốn thuế và rửa tiền, “làm ảnh hưởng đến hình ảnh và tương lai của đất nước”.
Panama bị phương Tây cho rằng còn là kênh trốn thuế chứ không nổi tiếng về kênh đào
Giống như bà Angelica, một ông già gốc Mỹ 84 tuổi đã định cư ở đất nước có con kênh đào nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương từ vài chục năm nay, khi gặp tôi đã nói một cách tưng tửng: “ Nước nào chả có Papeles de Panama, vấn đề là có khui ra hay không thôi. Nước ông, có trốn thuế và rửa tiền không ? Còn Trung Quốc, Mỹ, Thụy Sỹ, Anh nữa ? Vả lại chính phủ đâu có khuyến khích rửa tiền. Đây là “con sâu làm rầu nồi canh thôi”. Liệu có Hà Nội Paper không đấy ? Ông già nháy mắt hỏi nhưng thấy vẻ bất ngờ và không vui của tôi, liền hạ giọng: “nhưng mà anh với tôi thì làm gì có tiền mà lo rửa”, rồi khà khà cười dẫn chó đi chơi tiếp.
Cách trả lời của hai người bạn địa phương nói lên rất nhiều điều, trong đó như có sự ngầm thừa nhận những tiêu cực của nền kinh tế Panama. Một đất nước không có nền sản xuất nào quan trọng, kể cả công, nông nghiệp, mà chủ yếu sống vào các dịch vụ, đặc biệt trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và thương mại, vào việc thu phí của Kênh đào Panama và khu Thương mại Tự do Colon, vào vận chuyển hàng hóa đường thủy và hàng không, trong khi hệ thống quản lý doanh nghiệp có phần “thoáng quá” thì các tội phạm kinh tế đi kèm là khó tránh khỏi.
Trong nhiều năm trước đây, ai cũng có thể dễ dàng mở một doanh nghiệp ở Panama vì không phải chịu thuế, vì không đòi hỏi nộp các tờ khai thuế hay kế toán. Thậm chí, trong không ít trường hợp, danh tính các chủ sở hữu công ty còn được bảo đảm bí mật. Những hoạt động khai báo rất lỏng lẻo so với các quốc gia khác. Trong những năm vừa qua, tình hình trên đã được siết chặt hơn, nhưng các ổ trốn thuế và rửa tiền vẫn tồn tại và hoạt động mà Công ty Mossack Fonseca là một ví dụ điển hình.
Mặt khác, qua các câu chuyện với người dân ở đây, cũng thấy họ đểu rất bất bình trước cụm từ “Papeles de Panama” cũng như việc nước này bị báo chí và dư luận coi như “một thiên đường trốn thuế”.
Nói chuyện với một nhà doanh nghiệp địa phương không muốn để lộ danh tính, người này đặt câu hỏi: Tại sao Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cứ ép chúng tôi phải tham gia Hiệp định Trao đổi Thông tin Thuế theo phương thức tự động hóa trong khi Mỹ không ký hiệp định này cho dù đã có gần 100 nước tham gia và Mỹ cũng không đăng ký các quy chuẩn ngân hàng quốc tế.
Vụ Hồ Sơ Panama được cho liên quan tới hàng ngàn người trên mọi lĩnh vực
Không thể gắn hình ảnh một công ty với cả một đất nước
Vụ Hồ sơ Panama rõ ràng đang làm hoen ố hình ảnh của đất nước này. Từ chỗ được coi là một trong những nước đáng sống nhất cho người già lại có tốc độ phát triển kinh tế mạnh và bền vững nhất ở Trung Mỹ trong những năm qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 6% năm, giờ đây nói đến Panama, không ít người lại nghĩ ngay đến cụm từ “thiên đường trốn thuế”.
Và chính phủ Panama đã nhanh chóng hành động để bảo vệ uy tín của đất nước. Tổng thống Carlos Varela tuyên bố: Panama là một đất nước lành mạnh và nghiêm chỉnh, người dân Panama luôn lương thiện. Không thể gắn hình ảnh của một công ty với một đất nước.
Tương tự như vậy, một nhà lãnh đạo khác tuyên bố “không cho phép họ đối xử với chúng ta như những kẻ tội pham hoặc kẻ rửa tiền, bởi vì nền kinh tế của Panama là mở, cách làm lương thiện và dựa trên dịch vụ”.
Đồng thời với nỗ lực tách hình ảnh của công ty Mossack Fonseca khỏi hình ảnh đất nước, chính phủ Panama mặt khác cũng cam kết sẽ thương lượng với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế trong việc xem xét lại “cơ cấu dịch vụ tài chính của Panama”.
Người nghèo cũng khóc
Dù vậy, Panama sẽ khó tránh khỏi những tác động rất xấu từ vụ Hồ sơ Panama. Trong một cuộc nói chuyện tại nhà hàng Sabor Việt ở thủ đô Panama, Chủ tịch Hội Hữu nghị Panama-Việt Nam, Ivan Ruiz, thừa nhận vụ này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến các dịch vụ tài chính và ngân hàng vốn là một nguồn thu quan trọng của đất nước.
“ Tác động tiêu cực là khó tránh khỏi và sẽ rất lớn, cả về hình ảnh và thiệt hại kinh tế”, ông Ivan tâm sự với tác giả bài viết này.
Trong khi đó, báo chí Panama đưa tin ông Felipe Chapman, thành viên của công ty Mossack Fonseca, thừa nhận với báo chí vụ “Papeles de Panama có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư nước ngoài trực tiếp cũng như tăng trưởng và kinh tế trung và dài hạn” và điều này tất nhiên sẽ tác động đến cả những người nghèo.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ tới lời của bà giáo Angelica đã nói với tôi tại Công viên Benito Juarez: Trong vụ này, không chỉ có người giàu phải khóc, mà cả người nghèo như chúng tôi cũng khóc vì những khó khăn sắp ập đến. Chỉ lấy một ví dụ, cách nay ít lâu, mở một tài khoản ở ngân hàng rất dễ, còn bây giờ họ hỏi đủ thứ và các thủ tục đã bắt đầu phiền phức hơn nhiều.
Đằng sau Hồ sơ Panama là sự cạnh tranh của Mỹ? Tờ Robot Pescador tiết lộ một trong những tổ chức tài trợ cho cuộc điều tra của gần 400 nhà báo thuộc các nước khác nhau về Hồ sơ Panama là Open Society Foundation, một Quỹ của nhà tỷ phú người Mỹ, George Soros. Cũng theo tờ điện tử vừa nêu, trong những năm lại đây hiện tượng chuyển tiền từ Thụy Sỹ, Bahamas, Islas Virgenes Britanicas, được coi là những thiên đường trốn thuế trước đây, sang các bang Nevada, Wyoming và Dakota del Sur của Mỹ tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là bang Nevada, thiên đường rửa tiền mới. Một báo cáo của công ty Penney, trực thuộc Công ty Rothschild – một công ty hoạt động không khác gì Mossak Fonseca của Panama và có trụ sở ở Nevada không ngại ngần khẳng định “hiện nay Mỹ mới là thiên đường trốn thuế lớn nhất thế giới” do tính bảo mật cao của các ngân hàng của nước này. Thậm chí tờ Robot Pescador còn nhấn mạnh: với vụ Papeles de Panama, Mỹ muốn chấm dứt sự “cạnh tranh” của Panama trong việc rửa tiền, biến nước Mỹ thành thiên đường trốn thuế duy nhất cho những người giàu trên khắp thế giới và ước tính lượng tiền bẩn cần rửa lên tới 30-40 nghìn tỷ đô la Mỹ. Ngoài ra, qua việc công bố Hồ sơ Panama, Mỹ cũng muốn loại một số đối thủ chính trị của mình. |
Hồ sơ Panama là vụ rò rỉ 11,5 triệu tài liệu mật của Công ty luật Panama Mossack Fonseca, bị cáo buộc là lập ra các công ty bình phong để giúp những người giàu có và nổi tiếng trốn thuế và rửa tiền. |
Kha Lưu (từ Panama)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags