(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, trong bài phát biểu tại một cuộc họp được tường thuật trên truyền hình quốc gia, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez tuyên bố Cuba đã kiểm soát được đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, theo đó nước này không ghi nhận thêm ca tử vong nào trong hơn 1 tuần qua.
Ông Miguel Díaz-Canel Bermúdez khẳng định có được kết quả này là do Cuba đã triển khai quyết liệt và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa, giãn cách. Bên cạnh đó, đội ngũ y, bác sĩ, cùng các nhà khoa học Cuba đã có những nghiên cứu kịp thời giúp giảm tỷ lệ tử vong do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Chủ tịch Díaz-Canel cho biết số ca bệnh nặng và nguy kịch tại Cuba đang giảm liên tục, song ông cảnh báo nguy cơ các ca lây nhiễm nhập cảnh trong các chuyến bay đặc biệt chở công dân Cuba về nước.
Người đứng đầu Nhà nước Cuba nhận định diễn biến dịch bệnh trong tuần tới sẽ mang tính quyết định đối với thời điểm công bố mở cửa lại từng bước các hoạt động kinh tế - xã hội tại “hòn đảo tự do”.
Ngày 7/6, Cuba thông báo ghi nhận thêm 18 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và ngày thứ 8 liên tiếp không có ca tử vong nào. Tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 tại đảo quốc Caribe này hiện là 2191 người, trong đó 1862 người đã bình phục và 83 ca tử vong.
Trong khi đó, cũng tại châu Mỹ, Mexico vẫn duy trì mức cảnh báo cao tuần thứ hai kể từ khi chính phủ nước này quyết định dần mở lại các hoạt động kinh tế và xã hội. Tình hình dịch COVID-19 tại 31 tiểu bang vẫn ở mức báo động đỏ, mức cao nhất trong 4 cấp độ theo thứ tự đỏ-cam-vàng-xanh để chính phủ dỡ bỏ các hạn biện pháp giãn cách xã hội.
Bộ Y tế Mexico ngày 7/6 thông báo đã ghi nhận thêm 3484 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-12 mới cùng 188 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt 117.103 ca và 13.699 ca.
Brazil và Chile tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng. Chính phủ Brazil cùng ngày thông báo nước này đã ghi nhận tổng cộng hơn 685.000 ca nhiễm với gần 37.000 ca tử vong, theo đó Brazil là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao thứ hai ở châu Mỹ, chỉ sau Mỹ. Cũng trong ngày 7/6, Bộ Y tế Chile cho biết đã ghi nhận 6.405 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 134.150 ca với 2.290 ca tử vong. Kể từ khi Chile phát hiện trường hợp nhiễm mới đầu tiên vào 3/3, hiện nước này là một trong những nước có số ca nhiễm cao nhất tại khu vực Mỹ Latinh.
Mỹ vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới. với tổng số ca nhiễm và tử vong tính đến ngày 8/6 lần lượt là 1.938.842 và 110.482 ca, sau khi ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới và 691 ca tử vong trong vòng 24 giờ. Mặc dù vậy, theo trường đại học Johns Hopkis, đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất Mỹ ghi nhận trong vòng một tuần qua. Trước đó, vào trung tuần tháng 4, số ca tử vong mỗi ngày tại nước này xấp xỉ 3.000 ca. Tuy nhiên, giới chức y tế Mỹ cảnh báo với việc các cuộc biểu tình lớn đang diễn ra khắp nơi trên cả nước phản đối nạn phân biệt chủng tộc, nhiều khả năng trong những tuần tới sẽ có một làn sóng lây nhiễm mới ở nước này.
Khác với châu Mỹ. tại châu Âu, tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều quốc gia trong khu vực đang hướng dần tới việc trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch và cố gắng kích cầu ngành du lịch để kịp đón khách du lịch vào mùa Hè.
Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này có thể sẽ mở cửa lại biên giới vào đầu tháng 7 tới cho khách du lịch từ ngoài khu vực này, sau khi một số quốc gia trong khối tiến hành dỡ bỏ các hạn chế đối với khách du lịch từ các nước khác ở châu Âu.
Thanh Hải/TTXVN
Tags