(Thethaovanhoa.vn) - Số ca mắc COVID-19 tại nhiều nước tiếp tục duy trì ổn định trong nhiều ngày qua. Tại châu Âu, theo số liệu mới nhất cập nhật sáng 13/9 (giờ Việt Nam), số bệnh nhân tại châu lục này hiện là 4,049 triệu người, tăng hơn 36.000 người trong 24 giờ qua, và có 212.000 người đã tử vong (tăng thêm 325 trường hợp trong vòng 24 giờ qua).
Nga tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 1,057 triệu bệnh nhân (tăng hơn 5.480 ca), tiếp đến là Tây Ban Nha – 576.697 ca. Pháp tiếp tục ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ nhất với 10.561 ca - là mức tăng cao nhất tại châu Âu trong 24 giờ qua, lên tổng số 373.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó hơn 30.900 người đã tử vong. Sau Pháp, Anh và Ukraine là hai nước ở châu Âu có mức tăng khá cao – hơn 3.000 người tại mỗi nước trong ngày qua.
Tại châu Á, trong 24 giờ qua, số bệnh nhân COVID-19 toàn châu lục tăng thêm 125.000 ca lên 8,48 triệu bệnh nhân. Ấn Độ tiếp tục là nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất trong châu lục với gần 94.500 ca nhiễm mới (cao hơn mức 77.000 ca nhiễm mới của 24 giờ trước đó), lên mức 4,7 triệu bệnh nhân, trong đó hơn 78.500 người đã tử vong. Số ca nhiễm mới trong một ngày qua tại Philippines là 4.935 ca – cao nhất khu vực Đông Nam Á, tiếp đến là Indonesia tăng thêm là 3.800 ca. Tại Trung Đông, Iraq và Israel cũng ghi nhận các mức tăng số ca nhiễm mới lần lượt là 4.106 và 4.158 ca, cao nhất khu vực.
Tại Bắc Mỹ, tổng số bệnh nhân COVID-19 hiện là 7,94 triệu người, trong đó Mỹ đứng đầu với 6,67 triệu người (tăng 36.680 ca, giảm gần 9.000 ca so với mức tăng của 24 giờ trước đó). Tiếp theo là các nước Mexico và Canada với lần lượt 652.000 bệnh nhân (tăng thêm 5.900 ca) và 135.000 ca (tăng thêm 493 ca).
Tại Nam Mỹ, tổng số bệnh nhân là hơn 7,07 triệu người (tăng 61.000 người) và 227.000 người đã tử vong, trong đó Brazil có tới 4,3 triệu bệnh nhân (tăng 31.000 người). Argentina ghi nhận mức tăng số ca nhiễm mới trong ngày cao thứ hai khu vực – 10.700 ca lên 546.000 bệnh nhân. Sau Brazill, Peru và Colombia hiện là hai nước có số bệnh nhân cao thứ hai và ba tại khu vực Nam Mỹ, ở mức hơn 6.000 bệnh nhân.
Tại châu Phi, tổng số bệnh nhân là 1,35 triệu người, tăng 7.400 bệnh nhân trong 24 giờ qua. Nam Phi là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại châu lục với 647.000 bệnh nhân (tăng 1.816 người), trong đó có 15.427 người đã tử vong. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang lây lan ở một số nước trong khu vực nhưng nhìn chung tốc độ đã suy giảm.
Theo worldometers.info, tính đến 7h sáng 13/9 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới ghi nhận hơn 28,9 triệu bệnh nhân COVID-19 (tăng 278.000 người trong 24 giờ qua), trong đó 924.000 người đã tử vong. Mỹ, Ấn Độ và Brazi là 3 nước lần lượt có số bệnh nhân cao nhất thế giới.
Trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản ổn định, tại Đức và Ba Lan, nhiều người dân đã xuống đường tuần hành phản đối các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Theo ước tính của cảnh sát, trong ngày 12/9, khoảng 8.000 người đã tuần hành ở thành phố Munich, trong đó phần lớn người tham gia từ chối yêu cầu đeo khẩu trang. Còn ở thành phố Hanover, khoảng 1.000 người tham gia tuần hành. Một vụ việc tương tự cũng diễn ra ở thành phố Wiesbaden.
Trong khi đó, tại thủ đô Vacsava của Ba Lan, hàng trăm người cũng tham gia một cuộc tuần hành xuyên qua trung tâm thành phố.
Libya áp dụng quy trình mới để xác định bệnh nhân COVID-19 phục hồi. Ngày 12/9, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia Libya cho biết khoảng 11.922 trường hợp bệnh nhân COVID-19 được xác định là khỏi bệnh sau khi nước này áp dụng quy trình mới để xác định người phục hồi sau điều trị.
Theo quy trình này, những bệnh nhân không có triệu chứng sẽ được dừng cách ly sau 11 ngày kể từ khi chẩn đoán. Trong khi đó, những trường hợp có triệu chứng, nếu cho thấy những tiến triển tốt sẽ được dừng cách ly sau 13 ngày mà không cần sử dụng thuốc hạ sốt. Quy trình mới này cũng quy định rằng các trường hợp nhiễm COVID-19 nghiêm trọng chỉ được coi là hồi phục nếu trải qua các xét nghiệm RT-PCR sau 20 ngày cách ly, kể từ khi chẩn đoán có triệu chứng.
Châu Phi ra mắt mạng lưới phòng thí nghiệm nghiên cứu virus SARS-CoV-2. Ngày 12/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật châu Phi (Africa CDC) ra mắt mạng lưới gồm 12 phòng thí nghiệm nhằm thúc đẩy việc giải mã bộ gen của hơn 10 chủng virus SARS-CoV-2 hiện đang tồn tại tại châu lục này. Mạng lưới phòng thí nghiệm đặt tại nhiều quốc gia trong châu lục sẽ giúp các nhà khoa học tăng cường việc theo dõi và kiểm soát khả năng đột biến của các chủng virus SARS-CoV-2, qua đó giúp hệ thống y tế sở tại ứng phó hiệu quả hơn trước sự lây lan của virus, chủ động trong việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cũng như thúc đẩy quá trình nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng bệnh.
Dự án thành lập mạng lưới phòng thí nghiệm được đề xuất và triển khai sau khi WHO nhận được những báo cáo gần đây của Africa CDC, trong đó nhận định dịch COVID-19 tại châu lục đã qua giai đoạn đỉnh với số ca nhiễm mới và ca tử vong giảm dần và thấp hơn đáng kể so với mức trung bình tại các khu vực khác trên thế giới.
Iran thông báo thử nghiệm vaccine trên người. Hãng thông tấn chính thức của IRNA của Iran ngày 12/9 đưa tin các nhà khoa học về ngành y của nước này sẽ sớm bắt đầu tiến hành thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên người sau khi quá trình thử nghiệm trên động vật đã được thông qua.
- Dịch COVID-19 đến sáng ngày 11/9: Thế giới có 28.315.053 ca bệnh, 913.210 ca tử vong
- Dịch COVID-19: Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ lên gần ngưỡng 100.000 ca/ngày
Trả lời IRNA, ông Jalil Koohpayehzadeh - Trưởng khoa Khoa học của trường Đại học Y khoa Iran, cho biết: "Chúng tôi hy vọng các hoạt động đó sẽ sớm mang lại kết quả để hỗ trợ dịch vụ phòng ngừa tốt hơn cho người dân". Tuy nhiên, ông Jalil Koohpayehzadeh cũng kêu gọi người dân Iran tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn về sức khỏe để ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan tại nước này. Ông nói: "Mọi người nên lưu ý tới những khuyến cáo như việc sử dụng khẩu trang hay giãn cách xã hội, hạn chế tập trung những chỗ đông người".
Kể từ khi xác nhận ca đầu tiên mắc COVID-19 vào ngày 19/2, đại dịch ở Iran từng có giai đoạn có diễn biến phức tạp. Tính tới ngày 12/9, Iran xác nhận có 399.940 ca mắc COVID-19, trong đó có 23.029 ca tử vong.
TTXVN
Tags