(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h sáng ngày 21/6 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 8.914.787 ca nhiễm và 466.718 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 4.738.542 người.
Châu Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới. Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, hãng tin AFP cho biết số ca nhiễm của khu vực tính đến ngày 20/6 đã vượt 2 triệu người, lên 2.007.621 ca, trong đó Brazil chiếm tới hơn một nửa.
Brazil, quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh, chỉ xếp sau Mỹ về số ca nhiễm với 1.067.579 ca. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.022 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 49.976 ca. Các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm trên thực tế có thể cao hơn nữa do nước này không tiến hành xét nghiệm trên diện rộng.
- Sáng 21/6, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, nam phi công người Anh đã tự thở khí phòng
- Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới
- Số bệnh nhân mắc COVID-19 tại châu Âu vượt quá 2,5 triệu người
Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai trong khu vực về số ca tử vong với 20.781 người, và 175.202 ca nhiễm. Thủ đô Mexico City lên kế hoạch mở của lại các khu chợ, nhà hàng và nhiều doanh nghiệp khác vào ngày 22/6, song nhà chức trách đã lùi lại kế hoạch một tuần, do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tại Chile, nhà chức trách đã thay đổi cách thống kê, khiến số ca tử vong do COVID-19 tăng gấp đôi lên 7.144 ca. Số ca nhiễm tại nước này là 236.748 ca.
Trong khi đó, số ca nhiễm tại Peru đã vượt 250.000 ca, trong đó có 7.861 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 201 ca tử vong, số ca tử vong trong ngày cao thứ hai kể từ khi ban bố tình trạng khẩn cấp y tế vào tháng 3 vừa qua.
Mỹ tới nay ghi nhận 2.330.578 ca nhiễm và 121.980 ca tử vong. Đáng chú ý, bang Florida đã ghi nhận thêm hơn 4.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 19/6. Đây là mức cao nhất trong ngày trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tục nhảy vọt trong những ngày gần đây.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại tiểu bang này lên tới gần 94.000 người, trong đó có hơn 3.100 ca tử vong. Cùng với Florida , bang Arizona và Texas cũng ghi nhận sự gia tăng đột biến các ca nhiễm bệnh mới. Những bang này đã nới lỏng nhiều quy định nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch, như yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Về công tác thử nghiệm thuốc điều trị, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) thông báo đã ngừng thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá sự an toàn và hiệu quả của thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine trong điều trị cho các bệnh nhân nhập viện do dương tính với virus SARS-CoV-2. NIH cho biết nghiên cứu của viện này cho thấy thuốc hydroxychloroquine không mang lại bất cứ lợi ích nào cho các bệnh nhân, mặc dù thuốc này cũng không gây hại.
Tại châu Âu, tình hình dịch COVID-19 tại Đức có diễn biến xấu đi sau khi chính quyền địa phương phát hiện một số ổ dịch mới với số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên tới hàng nghìn tại bang North Rhine-Westfalen. Giới chức quận Gütersloh xác nhận đã có 1.029 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là nhân viên công ty chế biến thịt hàng đầu của Đức Tönnies. Thủ hiến bang North Rhine-Westfalen đánh giá tình trạng lây nhiễm “là lớn nhất và chưa từng có ở bang” và không loại trừ khả năng phong tỏa trở lại đối với khu vực này.
Tại Trung Đông, Bộ Y tế Iraq ngày 20/6 đã ghi nhận thêm 1.870 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong ngày kể từ dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.222 ca. Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong đã tăng thêm 88 ca lên 1.013 ca, đây cũng số ca tử vong cao nhất trong ngày.
Tại châu Phi, số ca nhiễm của Ethiopia đã tăng 399 ca lên 4.469 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày của quốc gia vùng Sừng châu Phi này. Các bệnh nhân nhiễm mới có độ tuổi từ 4-85. Số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia đông dân thứ hai châu Phi này là 72 ca.
Đặng Ánh - TTXVN
Tags