(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 11/3, Bộ Y tế Honduras xác nhận 2 ca đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Kể từ khi bùng phát tại Trung Quốc hồi tháng 12/2109, dịch COVID-19 tới nay đã lây lan sang nhiều quốc gia và đang diễn biến mạnh tại châu Âu trong khi các ca nhiễm tại châu Mỹ cũng có dấu hiệu gia tăng.
Tại Mỹ, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, quốc gia này ghi nhận 1.039 ca nhiễm bệnh và 29 ca tử vong. Các bang chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 như New York và Washington đang nỗ lực mở rộng công tác xét nghiệm phát hiện người nhiễm virus trong khi giới chức các địa phương ước tính phải vài tuần nữa năng lực xét nghiệm tại những bang này mới hoàn thiện ở mức tối đa. Các chuyên gia nhận định việc tăng cường năng lực xét nghiệm là yếu tố tối quan trọng để đánh giá tình hình dịch bệnh thực tế tại Mỹ sau khi hồi tháng 2 vừa qua chính phủ liên bang đã phân phối nhiều bộ dụng cụ xét nghiệm được cho là không cho kết quả chính xác.
- Dịch COVID-19: Hàng ngàn người hết thời gian cách ly
- Cập nhật dịch COVID-19: Thông tin ca bệnh thứ 39 'mới chỉ là nghi ngờ'
Cũng trong ngày 11/3, theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố gói hỗ trợ trị giá hơn 1 tỷ CAD (trên 700 triệu USD) để giúp hệ thống chăm sóc y tế của các tỉnh/vùng lãnh thổ đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, đồng thời hỗ trợ những người lao động buộc phải cách ly để tránh dịch bệnh lây lan. Thủ tướng Trudeau khẳng định: “Chúng tôi nỗ lực hết sức để đảm bảo người dân Canada được bảo vệ và an toàn”.
Phát biểu tại họp báo, ông Trudeau cho biết khoản tiền trên sẽ dành cho việc mua khẩu trang y tế, đồ bảo hộ và nghiên cứu vaccine. Chính phủ cũng sẽ tạo điều kiện cho những công nhân nhiễm bệnh COVID-19 được hưởng bảo hiểm nghề nghiệp. Ottawa cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong trường hợp xuất hiện những khó khăn về tín dụng thông qua việc tăng cường đầu tư vào các ngân hàng liên bang.
Do dịch bệnh diễn biến khó lường nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại và đóng cửa các địa điểm công cộng, các sự kiện đông người để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Argentina và Clombia ngày 11/3 đã tuyên bố mọi du khách từ các quốc gia đang chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 như Trung Quốc và Italy sẽ bị cách ly để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Argentina là quốc gia đầu tiên tại khu vực Mỹ Latinh xác nhận ca tử vong liên quan tới COID-19 hôm 8/3.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 11/3, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez cho biết nước này sẽ áp dụng biện pháp cách ly bắt buộc đối với tất cả những người nhập cảnh vào Argentina từ những nước đang bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời xem xét việc tạm dừng các chuyến bay tới Italy, cũng như các lễ hội công cộng trong bối cảnh số ca dương tính trong những ngày gần đây tại nước này đang có xu hướng tăng mạnh. Chính phủ Argentina cũng khuyến cáo người dân không nên tới các quốc gia và khu vực đang có sự bùng phát và lây lan mạnh của SARS-CoV-2 bao gồm châu Âu, Mỹ, Iran, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Chính phủ cũng đã quyết định chi thêm 1,7 tỷ pesos (khoảng 27 triệu USD) cho chiến dịch phòng chống dịch bệnh. Hiện Argentina đã ghi nhận 19 ca nhiễm bệnh COVID-19, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Cùng ngày, giới chức y tế Colombia xác nhận thêm 6 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm virus tại quốc gia này lên 9 người. Phát biểu trong một cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Colombia Alexander Moscoso cho biết các ca nhiễm bệnh COVID-19 mới bao gồm 3 người tại thành phố Medellin, 2 người tại thủ đô Bogota, một người phụ nữ mang quốc tịch Mỹ tại thành phố Cartagenas de Indias.
Đáng chú ý là các ca dương tính với SARS-CoV-2 tại thành phố Medellin là những trường hợp đầu tiên bị lây nhiễm trong nước do có tiếp xúc với một người phụ nữ mắc bệnh trở về từ Tây Ban Nha. Các trường hợp còn lại đều đã có thời gian di chuyển tại châu Âu và Mỹ. Cùng ngày, Tổng thống Colombia Ivan Duque đã kêu gọi những người nhập cảnh vào nước này từ Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Trung Quốc cần phải chủ động tự cách ly trong thời gian 14 ngày để bảo vệ sức khỏe và đề phòng lây lan SARS-CoV-2 ra cộng đồng.
Na Uy ngày 11/3 cũng thông báo hủy một cuộc tập trận dự kiến có sự tham gia của 15.000 binh lính Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh từ ngày 12-18/3 vì lo ngại dịch bệnh lây lan. Chỉ huy Trung tâm các chiến dịch quân sự Na Uy Rune Jakobsen cho biết dịch bệnh COVID-19 hiện đang ngoài tầm kiểm soát vì vậy quốc gia này quyết định bảo toàn năng lực chiến đấu để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ xã hội trong giai đoạn khó khăn sắp tới.
Theo kế hoạch, cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của bính lính hơn 10 nước thành viên NATO như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Bỉ và Thụy Điển và diễn ra tại vùng cực Bắc của Na Uy. Hồi tuần trước, Na Uy đã phải đóng cửa một căn cứ quân sự ở phía Bắc sau khi một binh lính tại căn cứ này có kết quả xét nghiệm dương tính vơi virus SARS-CoV-2. Đây là ca đầu tiên trong quân đội Na Uy dương tính với virus này nhưng có khoảng 240 binh lính khác đang được cách ly theo dõi. Hôm 7/3, Phần Lan cũng thông báo sẽ không cử 400 binh lính tới tham gia tập trận NATO vì lo ngại dịch bệnh.
Dịch bệnh cũng khiến ban tổ chức Liên hoan phim truyền hình dài tập Series Mania, liên hoan phim hàng đầu châu Âu, trong ngày 11/3 quyết định hủy sự kiện này. Dự kiến diễn ra vào ngày 20/3 tới tại thành phố Lille, miền Bắc nước Pháp và ước tính Series Mania sẽ thu hút khoảng 80.000 người tham gia. Chủ tịch Liên hoan Rodolphe Belmer cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi chính quyền Paris quyết định cấm các cuộc tụ tập từ trên 1.000 người.
TTXVN
Tags