(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê toàn cầu wordometers.info, tính đến 22h ngày 11/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 28.410.527 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 915.070 trường hợp tử vong. Hơn 20.416.840 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 7 triệu ca đang được điều trị với khoảng 1% là các ca nặng hoặc nguy kịch.
Tại châu Á, tâm dịch Ấn Độ ghi nhận thêm 96.551 ca mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại quốc gia Nam Á này. Theo Bộ Y tế nước này, tỷ lệ mắc COVID-19 trong nước đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Hiện tổng số ca mắc tại Ấn Độ đã lên tới 4,5 triệu ca. Số ca tử vong duy trì ở mức hơn 1.000 ca/ngày trong 10 ngày qua. Ngày 11/9, Ấn Độ ghi nhận thêm 1.209 ca tử vong, nâng tổng số lên 76.271 ca. Một nghiên cứu do các nhà khoa học và chuyên gia chính phủ tiến hành, công bố trên tạp chí Medical Research cùng ngày, cho thấy hàng triệu người mắc COVID-19 có thể đã không được ghi nhận tại nước này hồi đầu năm. Theo nghiên cứu trên, trong tháng 5 có từ 82-130 ca mắc bệnh không được ghi nhận. Nếu bổ sung những ca bệnh này, tổng số người mắc bệnh tại Ấn Độ có thể lên tới gần 6,5 triệu người tính đến hết tháng 5, trong khi tổng số ca mắc chính thức được Bộ Y tế công bố là hơn 180.000.
Tại Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết thủ đô Seoul tiếp tục phát sinh một số ổ dịch mới, trong đó số ca nhiễm mới liên quan đến Bệnh viện Severance ở quận trung tâm Seodaemun đã tăng lên thành 23 ca, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch lớn hơn. Ngoài ra, thành phố miền Trung Gwangju cũng ghi nhận ổ dịch với 27 ca nhiễm tại một khu chợ thuộc quận Buk và Công ty Công nghiệp nặng Hyundai ở thành phố Ulsan với 12 ca. Theo KCDC, dù số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc duy trì ở ngưỡng trên 100 ca/ngày trong 9 ngày qua nhưng bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại. Trong số 176 ca nhiễm mới ghi nhận sáng 11/9, có 161 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 15 ca nhập cảnh. KCDC cho biết các cơ quan chức năng đang cân nhắc khả năng gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội sau ngày 13/9 nhằm ngăn dịch lây lan rộng.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại một số nước Đông Nam Á vẫn gia tăng. Đáng chú ý, ngày 11/9, Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong 3 tháng, với 182 ca. Hiện tổng số ca nhiễm tại Malaysia là 9.810, trong đó có 128 trường hợp tử vong, cao thứ 4 khu vực Đông Nam Á.
Philippines cũng ghi nhận thêm 4.040 ca mắc COVID-19 - mức tăng hằng ngày cao nhất trong 12 ngày qua. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này là 24.947 - cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có 4.066 trường hợp tử vong. Tâm dịch Manila ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất cả nước, với 1.813 ca. Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines khẳng định nước này đang tăng cường năng lực của toàn bộ hệ thống y tế để phòng, chống COVID-19.
Tại Thái Lan, các số liệu dịch tễ học cho thấy chủng G của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện trên bệnh nhân đầu tiên sau 100 ngày nước này không ghi nhận ca nhiễm mới. Chủng G dễ lây nhiễm hơn các chủng L và S, và hầu hết được phát hiện ở những người nhập cảnh từ nước ngoài và phải cách ly. Tổng Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu y học thuộc Bộ Y tế Thái Lan, ông Opas Karnkawinpong cho biết các ca nhiễm chủng G khá hiếm ở Thái Lan, song cảnh báo tình hình vẫn đáng lo ngại khi ngày càng có nhiều lao động nhập cư trái phép đang tìm cách thâm nhập lãnh thổ Thái Lan để tìm việc làm. Giới chức Thái Lan cũng khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các yêu cầu phòng dịch căn bản như đeo khẩu trang khi ra đường và rửa tay thường xuyên với nước sát khuẩn.
Mặc dù dịch bệnh đang lây lan với tốc độ chậm hơn ở một số nước, song số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ Latinh, khu vực có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, đã vượt ngưỡng 8 triệu. Thống kê của Reuters cho thấy số ca nhiễm trung bình hằng ngày tại khu vực này đã giảm xuống 67.173 ca trong tuần từ ngày 2-9/9, so với 80.512 ca tuần trước đó.
Brazil vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh trong khu vực, với hơn 4,2 triệu ca nhiễm và hơn 129.000 ca tử vong. Tuy nhiên, giới chức Brazil cho biết số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm với tốc độ mạnh nhất (30%). Peru, Colombia và Mexico - các nước có số ca nhiễm nhiều sau Brazil tại khu vực này, cũng giảm nhẹ. Các nhà lãnh đạo các nước khu vực Mỹ Latinh đang tìm cách giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Riêng ngành du lịch của khu vực này ước tính thiệt hại khoảng 230 tỷ USD trong năm nay do ảnh hưởng của việc đóng cửa biên giới và hoạt động du lịch trên toàn cầu giảm mạnh.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, với 6.589.020 ca mắc, trong đó có 196.345 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, tốc độ lây lan của dịch bệnh cũng đã giảm mạnh tại nước này, tới 13% so với tuần trước.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu phức tạp trở lại ở châu Âu. Anh là nước ghi nhận tốc độ lây nhiễm ở mức cao nhất, tới 77%, tương đương 2.532 ca mắc mới/ngày. Một nghiên cứu của trường Đại học Hoàng gia Anh, công bố ngày 11/9, cho thấy tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang gia tăng trên khắp các khu vực của xứ England, với số ca nhiễm tăng gấp đôi mỗi tuần. Theo nghiên cứu trên, tỷ lệ lây nhiễm đang tăng trong tất cả các nhóm tuổi, ngoại trừ nhóm người trên 65, và các ca nhiễm không chỉ liên quan đến những ổ dịch tại bệnh viện hay nhà dưỡng lão như những tháng trước. Tính đến nay, Anh ghi nhận 358.138 ca mắc COVID-19, trong đó có 22.913 người tử vong.
Thụy Sĩ, Hungary, Ukraine cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất. Trong 24 giờ qua, Thụy Sĩ đã ghi nhận thêm 528 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - mức cao nhất kể từ đầu tháng 4. Số ca mắc mới tại Hungary là 718 trường hợp - mức cao nhất từ khi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp. Còn ở Ukraine, con số này lên tới 3.144 ca, vượt xa mức 2.836 ca ghi nhận hôm 5/9.
Theo cuộc khảo sát toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay về niềm tin đối với vaccine được công bố ngày 11/9 trên tạp chí y khoa Lancet, niềm tin của người dân đối với mức độ an toàn của vaccine đang gia tăng tại châu Âu dù có phần giảm nhẹ tại một số khu vực châu Á và châu Phi.
Tại Pháp - nơi niềm tin của công chúng vào vaccine vốn luôn ở mức thấp trong nhiều thập kỷ, số người ủng hộ mạnh mẽ đối với sự an toàn của vaccine đã tăng từ 22% lên 30%. Tại Anh, niềm tin vào độ an toàn của vaccine cũng tăng từ 47% hồi tháng 5/2018 lên 52% vào tháng 11/2019. Tuy nhiên, Ba Lan và Serbia lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể niềm tin của công chúng đối với vaccine.
- LHP Quốc tế Venice 2020: Điện ảnh Italy 'lên ngôi' giữa mùa dịch
- Dịch COVID-19: Nga bắt đầu thử nghiệm loại vaccine thứ hai trong tuần này
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019, Afghanistan, Philippines, Indonesia, Nigeria và Pakistan lại chứng kiến sự gia tăng "đáng kể" số người phản đối mạnh mẽ sự an toàn của vaccine. Các tác giả nghiên cứu cho rằng "xu hướng đáng lo ngại này" một phần do bất ổn chính trị và tôn giáo cực đoan.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi trào lưu phản đối vaccine là một trong 10 mối đe dọa y tế toàn cầu hàng đầu. Trong những năm gần đây, sự sụt giảm trong tỷ lệ tiêm chủng đã dẫn tới sự bùng phát các căn bệnh đáng lẽ có thể phòng tránh được như bại liệt và sởi.
TTXVN
Tags