(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, đến 22h00 ngày 20/3, thế giới đã ghi nhận 123.042.191 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.715.664 ca tử vong.
Xếp theo số ca nhiễm, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với hơn 30,4 triệu ca, tiếp đến là Brazil tới 11,8 triệu ca. Ấn Độ đứng thứ 3 nhưng chỉ kém Brazil rất ít, hiện quốc gia Nam Á này đã ghi nhận hơn 11,5 triệu ca nhiễm.
Các vị trí khác trong 10 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới là những nước châu Âu như Nga (4,4 triệu ca), Anh (4,2 triệu ca), Pháp (4,1 triệu ca), Italy (3,3 triệu), Tây Ban Nha (3,2 triệu), Thổ Nhĩ Kỳ (2,9 triệu) và Đức (2,6 triệu ca).
Xét theo số ca tử vong, Mỹ hiện chiếm hơn 25% thế giới với hơn 554.000 ca. Brazil gần bằng 50% số ca tại Mỹ, hiện đã hơn 290.500 ca. Trong khi đó, Mexico đứng thứ ba với hơn 197.200 ca tử vong và Ấn Độ đứng thứ tư với gần 160.000 ca.
Châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhất thế giới, đã có tổng cộng hơn 37.274.000 ca nhiễm và hơn 874.500 ca tử vong. Nước có nhiều ca tử vong nhất châu lục là Vương quốc Anh, với hơn 126.000 ca. Tiếp đến là Italy với hơn 104.240 ca. Nga và Pháp đã ghi nhận hơn 91.000 ca tử vong trong khi Đức và Tây Ban Nha đã có hơn 72.000 ca. Trong khi đó, hãng tin Reuters của Anh thậm chí còn đưa con số tử vong tại "Lục địa Già" lên hơn 1 triệu người.
Trong khi nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19, ngày 20/3, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo cấm AstraZeneca xuất khẩu vaccine nếu các nước thành viên EU không được nhận vaccine đầu tiên. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết thông điệp gửi tới AstraZeneca là "hãy thực hiện đầy đủ hợp đồng với châu Âu trước khi giao vaccine cho các nước khác".
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh EU đang gấp rút đẩy nhanh chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 khi mà dịch bệnh tại nhiều nước thành viên đang diễn biến hết sức phức tạp, tỷ lệ nhiễm mới tăng mạnh buộc chính quyền phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế. Đức vừa thông báo đưa quốc gia láng giềng Ba Lan vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm, đồng nghĩa người từ Ba Lan vào Đức phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính hoặc xét nghiệm kháng thể.
Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), quy định này có hiệu lực từ ngày 21/3. Trước đó, Đức cũng đã đưa Cyprus và Bulgaria vào danh sách trên. RKI cho biết 3 quốc gia này có nguy cơ lây nhiễm rất cao với tỷ lệ trung bình trong 1 tuần là hơn 200 ca/100.000 người. Trong khi đó, tại Anh, Điện Buckingham cho biết lễ diễu binh truyền thống mừng sinh nhật Nữ hoàng Elizabeth II tại London sẽ bị hủy bỏ vì dịch.
Tại châu Á, ngày 20/3, Bộ Y tế Campuchia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra thông cáo nhấn mạnh “Campuchia đang ở thời điểm nghiêm trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”, đồng thời kêu gọi người dân ssoàn kết và làm tất cả những gì có thể trong cuộc chiến chống đại dịch.
Các chuyên gia WHO nhận định đợt bùng phát dịch mới tại Campuchia liên quan biến thể B.1.1.7 của virus SARS-CoV-2 khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn. Trong thông điệp gửi người dân Campuchia sáng 20/3, Thủ tướng Hun Sen nhận định sau một tháng kể từ “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”, tình hình dịch bệnh tại nước này chưa có dấu hiệu khả quan, đặc biệt là tại tỉnh Kandal và thủ đô Phnom Penh.
Cùng ngày, Philippines đã ghi nhận 7.999 ca nhiễm mới, ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch. Bộ Y tế Philippines ra thông cáo cho biết: "Số ca nhiễm vẫn cao kỷ lục. Tốt nhất mọi người nên ở trong nhà nếu không có việc gì cần thiết".
- Dịch Covid-19: Châu Âu là khu vực đầu tiên trên thế giới ghi nhận hơn 1 triệu ca tử vong
- Dịch Covid-19: Cập nhật tình hình dịch bệnh sáng 20/3
- Dịch Covid-19: Mỹ có thể cán mốc 100 triệu liều vaccine vào tuần tới
Trong khi đó, Ấn Độ cũng chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày 20/3 ở mức cao nhất trong gần 4 tháng qua (40.953 ca), trong đó bang Maharashtra giàu có nhất chiếm hơn một nửa số ca nhiễm. Một số địa phương tại nước này đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có cả phong tỏa và đóng cửa nhà hàng. Các bác sĩ cho rằng làn sóng lây nhiễm mới do người dân lơ là các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, đồng thời cảnh báo bệnh viện sắp quá tải ở những bang như Maharashtra.
Khu vực Bắc Mỹ hiện ghi nhận tổng cộng hơn 34,9 triệu ca nhiễm và hơn 800.000 ca tử vong, trong khi Nam Mỹ đã có hơn 19,8 triệu ca nhiễm và hơn 510.000 ca tử vong. Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn, song cũng đã ghi nhận hơn 4,1 triệu ca nhiễm và hơn 109.000 ca tử vong. Nam Phi có nhiều ca nhiễm và tử vong nhất châu lục, với hơn 1,5 triệu ca nhiễm và hơn 52.000 ca tử vong. Số ca nhiễm tại châu Đại Dương hiện là hơn 53.800 ca và số ca tử vong là hơn 1.110 ca.
TTXVN
Tags