Dịch COVID-19 ngày 23/10: Mức độ lây lan dịch bệnh tại châu Âu 'rất đáng quan ngại'

Thứ Sáu, 23/10/2020 22:22 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 22/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 42.149.569 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.144.835 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 31.265.634 người.

Dịch COVID-19: Chuyên gia Pháp cảnh báo virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh hơn

Dịch COVID-19: Chuyên gia Pháp cảnh báo virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh hơn

gày 23/10, cố vấn khoa học của Chính phủ Pháp Arnaud Fontanet cảnh báo virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan với tốc độ nhanh hơn so với đợt bùng phát đầu tiên vào mùa Xuân năm nay.

Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới với 8.674.858 ca nhiễm và 228.577 ca tử vong, tiếp theo là Ấn Độ với 7.772.649 ca nhiễm và 117.436 ca tử vong, Brazil với 5.332.634 ca nhiễm và 155.962 ca tử vong.

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại châu Âu khi Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Liên minh châu Âu (EU), cảnh báo mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại Anh và 23 nước thành viên của liên minh này vẫn rất "đáng quan ngại". Theo đánh giá mới nhất của ECDC, toàn bộ các nước thành viên EU, trừ Cyprus, Estonia, Phần Lan và Hy Lạp, đều có mức độ lây lan dịch bệnh ở mức "rất đáng quan ngại". Trước đó 1 tháng, danh sách này chỉ có 7 nước.

ECDC cho biết số ca mắc COVID-19 tại nhiều nước châu Âu đã tăng dần từ tháng 8 vừa qua, và tăng rõ rệt trong những tuần gần đây. Hiện nguy cơ lây nhiễm đang gia tăng tại hầu hết các nước. Tình hình này đang đòi hỏi phải có hành động cấp thiết trong đó có việc giãn cách xã hội, hạn chế số người tụ tập, rửa tay và khuyến khích đeo khẩu trang.

Trong khi đó, cố vấn khoa học của Chính phủ Pháp Arnaud Fontanet cảnh báo virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 đang lây lan với tốc độ nhanh hơn so với đợt bùng phát đầu tiên vào mùa Xuân năm nay. Theo chuyên gia này, đại dịch đã bùng phát trở lại từ tháng 8 và đợt lạnh trong tháng 9 đã khiến virus nhanh chóng lây lan khắp châu Âu do mọi người có xu hướng ở trong các không gian kín nhiều hơn. Ông cho rằng cuộc chiến chống dịch bệnh sẽ là "một cuộc đua marathon" do các bệnh viện và nhân viên y tế có thể lại rơi vào tình trạng khủng hoảng như giai đoạn đỉnh dịch từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 năm nay.

Người đứng đầu hệ thống các bệnh viện công ở thủ đô Paris (AP-HP), ông Martin Hirsch, cảnh báo làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể nghiêm trọng hơn đợt một. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân phải điều trị tích cực tại các bệnh viện của AP-HP hiện là 62. Theo ông, số ca nhiễm trên thực tế có khả năng cao hơn con số chính thức, do những người không có biểu hiện không được xét nghiệm.

Lời cảnh báo trên được đưa ra một ngày sau khi Pháp thông báo đã ghi nhận 41.622 ca nhiễm mới - mức cao nhất theo ngày, đưa tổng số ca nhiễm lên 999.043 ca, trong đó có 34.210 trường hợp tử vong. Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới mới kể từ đầu tháng 9, Pháp đã tăng cường các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh, như mở rộng lệnh giới nghiêm đối với 2/3 dân số thay vì chỉ áp đặt tại 9 thành phố, trong đó có thủ đô Paris.

Nhiều nước châu Âu khác trong đó có Nga, Ukraine, Ba Lan, Romania, Slovakia, Thụy Sĩ đều ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong 1 ngày. Cụ thể, Nga có 17.340 ca nhiễm mới, Ba Lan với 13.632 ca, Ukraine là 7.517 ca, Romania là 5.028 ca và Slovakia là 2.581 ca. Thụy Sĩ cũng ghi nhận thêm 6.634 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người nhiễm bệnh vượt 100.000 người lên 103.653 người.

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế OR Tambo, Johannesburg, Nam Phi, ngày 1/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế OR Tambo, Johannesburg, Nam Phi, ngày 1/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trước tình hình trên, Chính phủ Anh đã quyết định áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nhiều khu vực của nước này nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.Các biện pháp mới nhất này đồng nghĩa với việc 7,3 triệu người dân ở xứ England sẽ phải trải qua các hạn chế nghiêm ngặt nhất, bắt đầu từ cuối tuần này. Trong khi đó, Bỉ và Ba Lan cũng đã siết chặt hơn nữa các biện pháp chống dịch. Chính quyền vùng Madrid của Tây Ban Nha cũng ban hành lệnh cấm các hộ gia đình khác nhau tụ tập trong không gian kín từ 24h đêm đến 6h sáng, đồng thời quyết định giảm 50% số lượng người ăn, uống tại các nhà hàng quán bar.     Không chỉ châu Âu, tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp tại một số nước châu Á cũng đang diễn biến phức tạp. 

Trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 10 ca tử vong do mắc COVID-19 - mức cao nhất trong 1 ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này. Số ca nhiễm mới tại Malaysia cũng tăng thêm 710 trường hợp, trong đó bang Sabah tiếp tục đứng đầu với 528 ca.

Trong khi đó, Myanmar cho biết tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng lên 41.008, với 1.312 ca nhiễm mới. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng 33 trường hợp lên tổng cộng 1.005 ca.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (KDC) cho biết nước này ghi nhận thêm 155 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong đó có 138 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trên 100 ca, đồng thời đánh dấu số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ ngày 11/9 (với 176 ca). Ngày 23/10 cũng đánh dấu số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tại Hàn Quốc tăng cao nhất kể từ ngày 17/9 (với 145 ca). Số ca nhiễm mới nói trên tập trung tại ổ dịch ở các bệnh viện và các trung tâm dưỡng lão.    

Trong khi đó, Iran thông báo ghi nhận thêm 6.134 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm tại quốc gia Trung Đông này lên 556.891 trường hợp, trong đó có 31.985 người không qua khỏi. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay tại Iran.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết tính đến nay, châu lục này ghi nhận 1.674.592 ca mắc COVID-19, trong đó 1.380.448 người đã phục hồi, 40.493 ca tử vong. Những quốc gia có số ca lây nhiễm cao nhất tại khu vực là Nam Phi, Ai Cập, Maroc, Ethiopia và Nigeria.

Trước tình hình trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi châu Phi tăng cường sử dụng bộ xét nghiệm nhanh để kịp thời đối phó với dịch bệnh. Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi của WHO, Matshidiso Moeti cho rằng châu lục này có thể giảm những thiệt hại do dịch bệnh đối với sinh kế và cơ sở y tế nhờ tăng cường sử dụng bộ xét nghiệm nhanh đối với khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Bà Moeti nhấn mạnh việc sử dụng rộng rãi bộ xét nghiệm nhanh với chất lượng cao tại châu Phi có thể là một cuộc cách mạng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 trong bối cảnh các ổ dịch bùng phát rải rác.

Hiện chính quyền các nước cũng như các tập đoàn dược phẩm lớn đang đẩy mạnh kế hoạch sản xuất và thử nghiệm vaccine.Thủ tướng Peru Walter Martos thông báo công ty dược Sinopharm của Trung Quốc sẽ cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho 10 triệu người dân Peru và dự kiến sẽ giao hàng cho quốc gia Nam Mỹ vào quý I/2021.

Hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna cũng thông báo chiến lược đa dạng hóa đối tượng thử nghiệm vaccine của mình, nhằm đưa thêm nhiều người thuộc nhóm dễ lây nhiễm tham gia thử nghiệm. Theo đó, Moderna đã đăng ký cho tất cả 30.000 người tham gia thử nghiệm vaccine giai đoạn 3, bao gồm hơn 25.000 người đã được tiêm liều vaccine thứ hai, bốn tuần sau khi tiêm liều thứ nhất.

Trong tổng số người tham gia, có hơn 7.000 người trên 65 tuổi và hơn 5.000 người dưới 65 tuổi mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, béo phì thể nặng và bệnh tim. Hơn 11.000 người tham gia đến từ các cộng đồng da màu (chiếm 37%), trong đó có 6.000 người nói tiếng Tây Ban Nha và hơn 3.000 người Mỹ gốc Phi. Hãng hy vọng sẽ thu thập đầy đủ kết quả lâm sàng vào cuối tháng 11, sau đó sẽ nộp đơn xin cấp phép khẩn cấp lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).    

Trong khi đó, Hàn Quốc thông báo sẽ tiếp tục sử dụng thuốc remdesivir cho bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước này, trong bối cảnh hiệu quả của loại thuốc kháng virus này vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Trong một tuyên bố, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho rằng nước này cần duy trì việc sử dụng remdesivir để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 vì hiệu quả được cho là có bằng chứng khoa học.

Ngọc Hà/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›