Dịch COVID-19 ngày 23/11: Thế giới có hơn 59,127 triệu ca bệnh, 1,396 triệu ca tử vong

Thứ Hai, 23/11/2020 22:38 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 23/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 59,127 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1,396 triệu ca tử vong. Khoảng 40,9 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 16,3 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Cơ quan dược phẩm châu Âu xem xét nhiều ứng cử viên vaccine COVID-19 tiềm năng

Cơ quan dược phẩm châu Âu xem xét nhiều ứng cử viên vaccine COVID-19 tiềm năng

Ngày 23/11, Cơ quan Quản lý Dược phẩm của châu Âu (EMA) thông báo có thể cấp phép cho một số ứng cử viên vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021 sau khi đánh giá các loại tiềm năng nhất.

Tại châu Á, giới chức y tế Trung Quốc tiến hành xét nghiệm quy mô lớn tại Sân bay quốc tế Phố Đông lớn nhất ở thành phố Thượng Hải (Shanghai) sau khi một ổ dịch nhỏ bùng phát trong thành phố có liên quan tới hai nhân viên làm việc bốc dỡ hàng hóa ở sân bay. Hơn 17.700 nhân viên sân bay này đã được xét nghiệm và cho đến nay có 11.500 xét nghiệm cho kết quả âm tính. Trung Quốc đang triển khai các chương trình tiêm chủng hàng loạt sau khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng. Gần đây, giới chức nước này đã chuyển sự chú ý vào thực phẩm đông lạnh nhập khẩu và các mặt hàng nhập khẩu khác, coi đây là nguyên nhân khiến số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng.

Tại Nhật Bản, ngày 22/11, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 2.167 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 133.730 người, trong đó  2.001 người tử vong. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này ở trên ngưỡng 2.000 ca. Nhiều chuyên gia lo ngại cách tiếp cận theo hướng tập trung xử lý các cụm lây nhiễm để khống chế dịch đang bộc lộ các hạn chế và cần có các biện pháp quyết liệt hơn để dập dịch.

Việc xử lý các cụm lây nhiễm do trung tâm y tế công cộng trên toàn quốc thực hiện cho phép giới chức y tế truy vết những người đã tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19 để xác định nguồn lây nhiễm. Phương pháp này được cho là có hiệu quả trong việc hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, tình hình hiện nay, được nhiều chuyên gia mô tả là làn sóng lây nhiễm thứ ba, khác xa so với hai đợt bùng phát trước về độ đa dạng và quy mô của các cụm lây nhiễm.

Các chuyên gia cho rằng việc xử lý cụm lây nhiễm mang lại hiệu quả trong việc khống chế các ổ dịch ở những khu vực mà dịch bệnh chưa lan rộng. Tuy nhiên, việc khống chế dịch bệnh ở những khu vực không xác định được con đường lây nhiễm của 50% số ca nhiễm mới là khá khó khăn. Vì vậy, chính phủ cần có các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó có việc hạn chế sự đi lại giữa các tỉnh, thành. Tại thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch COVID-19 có thể sẽ tạm lắng ở Nhật Bản khi số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng ở nhiều địa phương.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 di động được thiết lập ở tỉnh Nam Chungcheong, Hàn Quốc ngày 20/11/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA) thông báo thêm 271 ca nhiễm mới ở nước này, trong đó có 255 ca lây nhiễm trong nước và 16 ca "ngoại nhập", nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 31.004 người. Cũng theo KDCA, đã có thêm 4 người tử vong do dịch bệnh này, nâng tổng số người thiệt mạng do COVID-19 ở Hàn Quốc lên 509 người. Đáng chú ý, quân đội Hàn Quốc cùng ngày thông báo 33 ca nhiễm mới, con số ghi nhận theo ngày trong quân đội cao nhất, trong bối cảnh bùng phát ổ lây nhiễm tại một đơn vị quân đội ở thị trấn biên giới Cheorwon. Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định siết chặt hơn các quy định về giãn cách xã hội đối với thủ đô Seoul và vùng phụ cận cũng như khu vực Đông Nam. Theo quyết định này, mức giãn cách xã hội cấp độ 2 trong hệ thống cảnh báo dịch COVID-19 gồm 5 cấp ở nước này, sẽ được áp dụng tại các khu vực trên bắt đầu từ ngày 24/11. 

Tại Đông Nam Á, Nội các Thái Lan đã phê chuẩn đề xuất của Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 của chính phủ về gia hạn sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ ngày 1/12/2020 đến ngày 15/1/2021. Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc được ban bố từ tháng 3/2020. Đây là lần thứ 8 sắc lệnh này được gia hạn nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Lào thông báo ghi nhận thêm 14 ca mắc mới trong một ngày qua, nâng tổng số ca mắc lên 39 trường hợp. Mặc dù tất cả các ca mới là các ca "ngoại nhập" và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, đây là số ca mắc mới trong một ngày cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này. Theo Bộ Y tế Lào, số bệnh nhân nói trên nhập cảnh vào Lào hôm 20/11 trên hai chuyến bay đến từ Ấn Độ và Nga với tổng số hành khách là 111 người. Khi xuống sân bay quốc tế Vat Tay (Vắt Tạy) ở thủ đô Viêng Chăn, tất cả các hành khách này đều không có biểu hiện nhiễm bệnh và đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus chỉ một ngày trước khi khởi hành tới Lào.

Tại châu Đại Dương, hai bang đông dân nhất của Australia là New South Wales (NSW) và Victoria đã mở lại biên giới giữa hai bang sau hơn 4 tháng đóng cửa, trong bối cảnh bang Victoria đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19, làm dấy lên hy vọng về khả năng phục hồi kinh tế nhanh chóng và tình hình sớm bình thường trở lại. Quyết định này sẽ giúp tăng lưu lượng giao thông hàng không giữa Melbourne với Sydney – một trong những tuyến vận tải hàng không đông đúc nhất trên thế giới trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đầu tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ, NSW và Victoria đã đóng cửa biên giới giữa hai bang nhằm khống chế dịch COVID-19. Trước đó, lần gần nhất hai bang này đóng cửa biên giới là vào năm 1919 trong đợt bùng phát dịch cúm Tây Ban Nha.

Tại châu Âu, Nga thông báo ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ trước đến nay, với 25.173 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 2,1 triệu ca, trong đó có 36.540 ca tử vong (sau khi thêm 361 ca tử vong mới). Cuối tuần trước, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko thừa nhận tình hình đại dịch ở nước này đang rất căng thẳng.

Tại Anh, ngày 22/11, hãng BBC dẫn nguồn  Văn phòng Nội các Anh cho hay các bộ trưởng các vùng England, Scotland, Wales và Bắc Ireland đã ủng hộ kế hoạch cho phép các gia đình khác nhau được tụ họp trong một số ngày dịp lễ Giáng sinh năm nay. Tuy nhiên, giới chức nhấn mạnh người dân vẫn cần đề phòng, tránh đi lại và hạn chế tiếp xúc với người khác. Đầu tháng này, Anh đã áp đặt lệnh phong tỏa trong 4 tuần tại vùng England nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ hai. Theo các số liệu chính thức, Anh đã ghi nhận tổng cộng 1,5 triệu ca mắc COVID-19 với 55.024 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Munich, Đức, ngày 13/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Đức, do dịch chưa có dấu hiệu giảm, chính quyền thành phố Berlin dự định sẽ hủy bỏ buổi lễ âm nhạc và ánh sáng đón mừng Năm mới 2021, vốn được tổ chức hằng năm ở khu vực Cổng Brandenburg và thu hút sự tham gia của hàng trăm nghìn người. Lễ đón mừng năm mới với âm nhạc, ánh sáng và màn bắn pháo hoa được tổ chức vào đêm Giao thừa hằng năm ở khu vực kéo dài từ Cổng Brandenburg tới Tượng đài Chiến thắng tại Berlin được coi là bữa tiệc ngoài trời đón năm mới lớn nhất ở Đức.

Tại Mỹ, bang Nevada siết chặt các biện pháp hạn chế tại sòng bạc, nhà hàng, quán bar và áp đặt quy định buộc đeo khẩu trang trên toàn bang trong 3 tuần tới. Các biện pháp mới có hiệu lực từ ngày 24/11 trong bối cảnh chính quyền cấp bang và địa phương trên toàn nước Mỹ đang áp đặt trở lại một loạt biện pháp nhằm hạn chế số ca nhiễm gia tăng ở mức báo động sau khi tạm lắng trong mùa Hè qua. Trong khi đó, chính quyền bang New York cảnh báo nguy cơ gia tăng số ca mắc mới trong thời gian từ nay đến tháng 1/2021 vì các kỳ nghỉ lễ nối tiếp nhau và người dân có xu hướng đi lại nhiều để gặp gỡ nhau cũng như đón mừng ngày lễ. Chính quyền kêu gọi người dân không mất cảnh giác khi một số khu vực ở bang New York đang được khuyến cáo chuyển sang mức cảnh báo màu vàng, đỏ, hoặc cam đối với dịch bệnh trong tuần này, trong bối cảnh vaccine ngừa COVID-19 dự kiến phải đến tháng 12 tới hoặc tháng 1 năm sau mới có. 

Thế giới đón nhận thêm một tin vui trong tiến trình phát triển vaccine phòng COVID-19 sau khi vaccine tiềm năng của hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca và Đại học Oxford cho hiệu quả thử nghiệm tới 90% chỉ với một liều sử dụng. Giám đốc điều hành của AstraZeneca, Pascal Soriot cho biết tính hiệu quả và an toàn của vaccine đã được khẳng định trong các kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.

Hiện vaccine ngừa COVID-19 của BioNTech/Pfizer và hãng dược phẩm Mỹ Moderna đang dẫn đầu trong cuộc đua vaccine trên toàn cầu, sau khi các dữ liệu thử nghiệm quy mô lớn trong tháng này cho thấy các loại vaccine này có hiệu quá ngừa COVID-19 tới 95%./.

Lê Ánh - Phạm Kiên - Thu Phương (TTXVN)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›