(Thethaovanhoa.vn) - Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến 22h ngày 3/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 11.034.046 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 525.156 ca tử vong và số ca hồi phục là 6.186.869 người.
Tình hình dịch bệnh tại Mỹ, quốc gia chịu tác động mạnh nhất, vẫn diễn biến khó lường khi đến nay đã ghi nhận 2.838.922 ca nhiễm và 131.544 ca tử vong. Thị trưởng thành phố New York, Bill De Blasio thông báo kế hoạch triển khai các dịch vụ phục vụ các bữa ăn ngoài trời tại hơn 20 tuyến phố không gian mở của thành phố trong mỗi dịp cuối tuần mùa Hè 2020, trong khi kế hoạch nối lại các dịch vụ ăn uống trong nhà sẽ không thể triển khai và bị trì hoãn vô thời hạn khi số ca mắc mới tăng mạnh tại nhiều bang, chủ yếu liên quan tới các nhà hàng và quán bar. Kể từ khi dịch bùng phát, thành phố New York đã triển khai các mô hình tuyến phố không gian mở, tổng cộng khoảng 107 km, không cho phép xe ô tô lưu thông, chỉ dành cho người đi bộ và người đi xe đạp, người tập thể dục với các biện pháp giãn cách xã hội được đảm bảo.
Tại khu vực Mỹ La tinh, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với Brazil vẫn có số ca lây nhiễm cao thứ hai thế giới với 1.502.424 ca nhiễm và 62.045 ca tử vong. Đặc biệt, Mexico trong 24 giờ qua ghi nhận 6.741 ca nhiễm mới, đánh dấu ngày có số ca mắc mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này. Với tổng cộng 238.511 ca nhiễm, trong đó có 29.189 ca tử vong. Mexico đã vượt Tây Ban Nha, một trong những quốc gia châu Âu chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch, về số ca nhiễm.
Các nhà hàng và quán bar ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil đã mở cửa trở lại sau hơn 3 tháng phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Theo đó, các quán bar, nhà hàng và quán cafe được phép mở lại tối đa 50% công suất và đảm bảo khoảng cách 2m giữa các bàn, ưu tiên những khu vực phục vụ ăn uống ngoài trời. Các phòng tập, cơ sở làm đẹp, tiệm xăm hình cũng sẽ mở cửa nhưng tránh tụ tập đông người. Thị trưởng Rio Marcelo Crivella cho rằng tình hình dịch bệnh đã lắng dịu khi các ca bệnh cần được chăm sóc đặc biệt đã giảm, nhu cầu giường bệnh cũng thấp hơn trong khi số ca tử vong không có đột biến.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh có phần chuyển biến tích cực tại một số nước châu Âu, tạo điều kiện cho các quốc gia tiếp tục thực hiện những kế hoạch mở cửa trở lại. Từ ngày 10/7, Anh sẽ dỡ bỏ quy định cách ly đối với những người đến xứ England từ nhiều quốc gia được xem là có nguy cơ mắc COVID-19 thấp, trong đó có Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy.
Việc dỡ bỏ quy định cách ly nói trên chỉ áp dụng đối với những người từ nước ngoài đến xứ England. Những người đến các khu vực khác của Anh bao gồm Scotland, Wales hoặc Bắc Ireland vẫn phải thực hiện tự cách ly trong 14 ngày, nếu vi phạm sẽ bị phạt. Trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm đã giảm, Anh đang dần dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi người dân cần tiếp tục tuân thủ quy định về giãn cách xã hội và hành động một cách "có trách nhiệm".
Tuy nhiên, một số nước khác tại châu Âu vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng như Nga (6.718 ca nhiễm mới và 176 ca tử vong), Bỉ (129 ca), Đức (21 ca), Ukraine (876 ca)...
Còn Serbia đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Belgrade, tái áp đặt một số biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan sau khi số các ca nhiễm ở thủ đô tăng nhanh.Theo lệnh tình trạng khẩn cấp, người dân ở thủ đô sẽ phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng trong nhà hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng, thời gian mở cửa các quán cà phê và câu lạc bộ sẽ bị rút ngắn, và các cuộc tụ tập sẽ bị hạn chế ở mức 100 người nếu ở trong nhà và 500 người nếu ở ngoài trời. Tình trạng khẩn cấp này sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Hiện các chính quyền ở miền Trung và miền Tây Serbia cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số thành phố có các ca mắc COVID-19 tăng cao. Tính đến nay, Serbia ghi nhận 15.195 ca mắc COVID-19, tăng gần 4.000 trường hợp so với 1 tháng trước, trong đó có 287 người tử vong.
Ở châu Á, nhiều nước vẫn tiếp tục có số ca nhiễm gia tăng như Ấn Độ (20.903 ca nhiễm mới), Singapore (188 ca nhiễm mới), Indonesia (1.301 ca nhiễm mới và 49 ca tử vong), Philippines (1.531 ca nhiễm mới và 6 ca tử vong), Hàn Quốc (63 ca nhiễm)...
Tại Trung Quốc, giới chức thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) tuyên bố đã kiểm soát được nguồn lây nhiễm trong đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai và sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại vào nửa đêm ở hầu hết những cụm dân cư trong thành phố. Theo đó, toàn bộ người dân sinh sống ở những khu vực nội đô được đánh giá là "ít nguy cơ" có thể được rời khỏi thành phố mà không cần kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Trước đó, Bắc Kinh dỡ bỏ một số lệnh phong tỏa được áp đặt theo khu vực sau khi tháng trước, phát hiện hàng trăm ca bệnh liên quan tới một khu chợ đầu mối, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Trong khi đó, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua ngân sách bổ sung trị giá 35.100 tỷ won (khoảng 29,3 tỷ USD) cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 và những tác động đến kinh tế do dịch bệnh gây ra. Đây là khoản ngân sách bổ sung lần thứ ba của nước này sau khoản ngân sách đầu tiên trị giá 11.700 tỷ won được thông qua hồi tháng Ba và ngân sách thứ hai trị giá 12.200 tỷ won được thông qua hồi tháng Tư.
- Dịch COVID-19: Ấn Độ mở ngân hàng huyết tương đầu tiên dành cho các bệnh nhân nặng
- Ngành du lịch Thái Lan có thể thiệt hại 47 tỷ USD do dịch COVID-19
- Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới
Tại Thái Lan, sân bay quốc tế Suvarnabhumi đã triển khai các biện pháp xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 đối với một số du khách nước ngoài. Các doanh nhân, nhà ngoại giao và quan khách chính phủ có thời gian lưu trú chưa tới 14 ngày tại Thái Lan được coi là các "du khách được làm thủ tục nhanh". Họ sẽ được tiến hành xét nghiệm nhanh tại sân bay Suvarnabhumi để đảm bảo không mắc bệnh trước khi nhập cảnh vào Thái Lan.
Hiện nước này đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm nhập cảnh kéo dài 3 tháng qua đối với người nước ngoài.
Minh Châu/TTXVN
Tags