(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nhận định nước này đang phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 và có nhiều khả năng lần bùng phát này nghiêm trọng hơn so với làn sóng thứ hai đã xảy ra trong mùa Hè.
Phát biểu tại một cuộc họp ở Thượng viện ngày 17/11, Bộ trưởng Nishimura cho biết các cơ quan chức năng đang theo dõi sát tình hình hiện nay. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi liệu tình hình dịch bệnh hiện nay đã ở “giai đoạn ba” - giai đoạn số ca nhiễm mới tăng nhanh tạo ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế địa phương, Bộ trưởng Nishimura cho biết đến nay, vẫn chưa có thống đốc tỉnh nào đưa ra đánh giá quá nghiêm trọng. Vì vậy, các chương trình kích cầu “Go To” của chính phủ vẫn tiếp tục được thực hiện.
Theo hãng tin Jjji Press, phát biểu với các báo giới sau cuộc họp ở Thượng viện, Bộ trưởng Nishimura cho biết ông đã yêu cầu tất cả các địa phương tiến hành xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) để phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở tất cả các bệnh viện và nhà dưỡng lão tại những điểm nóng có nhiều người nhiễm bệnh.
- Một loạt cầu thủ Hàn Quốc dương tính với COVID-19, Son Heung-min bị cách ly
- Dịch COVID-19: Đưa gần 360 công dân Việt Nam từ Hoa Kỳ và Hàn Quốc về nước
- Hàn Quốc: Cựu Tổng thống Lee Myung-bak bị bắt giam trở lại
Cùng ngày, giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận thêm 1.699 ca nhiễm mới COVID-19 trên toàn quốc. Đáng chú ý, có tới 6 trên tổng số 47 tỉnh, thành ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay, gồm Ibaraki (55 ca), Niigata (33 ca), Nagano (24 ca), Kyoto (49 ca), Hyogo (107 ca) và Oita (11 ca). Các tỉnh, thành khác có số ca nhiễm mới cao gồm: Tokyo (298 ca), Osaka (269 ca) và Hokkaido (197 ca). Số ca tử vong do COVID-19 trong ngày 17/11 là 14 ca, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh tại nước này lên 1.933.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố này đang cân nhắc khả năng nâng mức cảnh báo về dịch bệnh lên mức cao nhất. Theo nhật báo Nikkei, quyết định cuối cùng về vấn đề này sẽ được đưa ra tại cuộc họp của các chuyên gia y tế dự kiến vào ngày 19/11. Trong số các biện pháp đang được chính quyền Tokyo xem xét để kiểm soát dịch bệnh, có đề nghị đóng cửa sớm đối với các cửa hàng.
Trước đó, hôm 10/9, chính quyền Tokyo đã hạ thấp mức độ cảnh báo dịch xuống mức cao thứ hai sau khi số ca nhiễm mới ở thành phố này có xu hướng giảm. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 11, số ca nhiễm mới đã tăng trở lại và chạm mức cao nhất trong 3 tháng vào tuần trước.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã vượt con số 300 ca/ngày, mức cao nhất kể từ cuối tháng 8 vừa qua, khiến cơ quan y tế sở tại phải đưa ra cảnh báo về một đợt tái bùng phát mới trên diện rộng.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 18/11, cho biết nước này đã ghi nhận thêm 313 ca mắc mới COVID-19, trong đó 245 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trong nước lên 29.311 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 29/8, số ca nhiễm mới tại nước này vượt mức 300 ca/ngày và là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới tăng trên 200 ca/ngày.
Theo KCDA, số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng đột biến bắt nguồn từ các ổ lây nhiễm tập thể xuất hiện rải rác trên toàn quốc. Trong đó phải kể đến cơ sở luyện tập thể thao, phòng tắm hơi và một nhà máy ở thủ đô Seoul; một cơ sở điều trị dành cho người khuyết tật ở thành phố Cherwon (tỉnh Gangwon) và một trường đại học ở thành phố Gwangju, nơi ghi nhận tới 26 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong một ngày.
Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tái phát, KCDA đã quyết định nâng mức giãn cách xã hội ở khu vực thủ đô Seoul, vùng phụ cận và thành phố Gwangju lên một bậc - từ cấp độ 1 lên cấp độ 1,5 - chính thức có hiệu lực từ ngày 19/11. Riêng khu vực thành phố Incheon vẫn duy trì mức giãn cách ở cấp độ 1 cho đến ngày 23/11.
Theo quy định giãn cách xã hội ở cấp độ 1,5, ngoài việc bắt buộc đeo khẩu trang, 9 loại hình cơ sở tập trung đông người (như vũ trường, quán bar, phòng hát karaoke) và 14 loại hình cơ sở quản lý thông thường (như phòng game, trung tâm dạy thêm, phòng đọc sách) cần được quản lý kiểm soát phòng dịch triệt để. Trường học chỉ cho phép dưới 2/3 số học sinh đến lớp. Ngoài ra, các trận đấu thể thao chỉ cho phép sử dụng tối đa 30% số ghế cho khán giả vào sân theo dõi; hoạt động sinh hoạt tôn giáo cũng áp dụng mức giãn cách tương tự; các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức bán hàng tại nhà phải dừng hoạt động sau 21h.
KCDA cho biết sẽ phân tích kết quả thực hiện giãn cách xã hội ở mức 1,5 trong 2 tuần và xem xét gia hạn hoặc nâng mức giãn cách xã hội tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương trên cả nước.
Đào Thanh Tùng - Anh Nguyên/TTXVN
Tags