(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, đến 8h00 sáng 17/7, thế giới đã ghi nhận gần 14 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó gần 600.000 ca tử vong.
Đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong là Mỹ với 3.689.026 ca nhiễm và 141.039 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 2.014.738 ca nhiễm và 76.822 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ ba với 1.005.637 ca nhiễm và 25.609 ca tử vong.
Tại Mỹ, thành phố New York, nơi từng là tâm dịch lớn nhất nước này, dự kiến sẽ mở cửa giai đoạn 4 vào ngày 20/7 tới. Tuy nhiên, các không gian hoạt động trong nhà như trung tâm mua sắm, bảo tàng hay phòng tập thể thao sẽ vẫn phải đóng cửa mặc dù đây là giai đoạn cuối trong lộ trình mở cửa lại gồm 4 giai đoạn do Thống đốc Andrew Cuomo đưa ra.
Mở cửa giai đoạn 4 là sự kiện hết sức quan trọng đối với New York bởi đây sẽ là thời điểm ông Cuomo cân nhắc và quyết định kế hoạch mở lại các trường học như thế nào, kết hợp vừa học trực tuyến và học trực tiếp như thế nào, vào tháng 9 tới. Theo quyết định mới, thành phố New York sẽ vẫn phải hạn chế các hoạt động trong nhà bởi lo ngại nguy cơ làn sóng dịch bệnh có thể quay trở lại. Những điểm du lịch ngoài trời như tượng Nữ thần Tự do trên đảo Ellis sẽ mở lại một phần kể từ ngày 20/7 nhưng bảo tàng Metropolitan, một trong những bảo tàng lớn và có giá trị nhất thế giới đã quyết định sẽ đóng cửa đến cuối tháng 8.
Tại Brazil, Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận 45.403 ca nhiễm mới và 1.322 ca tử vong trong 24 giờ qua. Trong vài tuần gần đây, mỗi ngày Brazil có thêm khoảng 40.000 ca nhiễm mới và xấp xỉ 1.200 ca tử vong. Nhiều chuyên gia đến từ Đại học Washington dự đoán rằng Brazil sẽ vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới vào khoảng đầu tháng 8.
Cùng ngày, Argentina ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới trong ngày cao kỷ lục, với 4.250 ca bệnh mới và 82 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm lên 111.160 người, trong đó có 2.072 ca tử vong. Theo báo cáo chính thức, khoảng hơn 90% ca nhiễm tại Argentina được ghi nhận ở thủ đô Buenos Aires và các vùng đô thị lân cận. Chính vì vậy, đây cũng là những khu vực mà Chính phủ Argentina tiếp tục siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Bộ Y tế Argentina cho biết hiện vẫn còn 59.968 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị ở các mức độ khác nhau, trong đó có 783 trường hợp tại khoa điều trị tích cực ở các bệnh viện. Trong khi đó, khoảng 44% tổng số ca đã hồi phục. Argentina ban hành biện pháp cách ly xã hội vào ngày 20/3. Đợt cách ly bắt buộc lần này sẽ kết thúc vào ngày 17/7 tới.
Châu Âu hiện ghi nhận tổng cộng 2.628.812 ca nhiễm, trong đó có 198.163 ca tử vong. Nga hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất châu Âu với 752.797 ca, và Anh là nước có số ca tử vong cao nhất châu lục với 45.119 ca. Ngày 16/7, Thượng viện Italy đã bỏ phiếu thông qua Sắc lệnh tái khởi động, trong đó có gói biện pháp trị giá 55 tỷ euro nhằm hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch đối với các doanh nghiệp, người lao động và các gia đình. Theo số liệu mới nhất, số ca tử vong tại Italy đã vượt 35.000 người, đứng thứ 3 châu lục.
Trong khi đó, các nhà chức trách Đức đã ban hành nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với các cư dân mắc bệnh tại các khu vực nhỏ hơn. Chiến lược mới của chính phủ liên bang và các chính quyền vùng quy định các khu vực bùng phát dịch COVID-19 đã được khoanh vùng sẽ phải đóng cửa và cư dân không được phép rời khỏi đây.
Trước đó, không giống như một số quốc gia láng giềng thực biện các biện pháp phong tỏa trên diện rộng, Chính phủ Đức chỉ kiểm soát dịch COVID-19 dựa trên các biện pháp khu biệt hơn như đóng cửa trường học, quán bar và cấm tụ tập đông người. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, đã có nhiều ý kiến chỉ trích khi bùng phát một ổ dịch lớn tại công ty đóng gói thịt ở miền Tây nước này khiến giới chức trách phải áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hai khu vực là nơi sinh sống của khoảng 650.000 người.
Tại châu Phi, với 324.221 ca nhiễm, Nam Phi có số ca nhiễm cao nhất và chiếm một nửa trong số 667.302 ca của toàn châu lục. Xét về số ca tử vong, Nam Phi cũng đứng đầu với gần 4.700 ca, trong khi Ai Cập đứng thứ hai với 4.120 ca. Ngày 16/7, Algeria đã tái phong tỏa 29 tỉnh, thành trong 10 ngày kể từ ngày 18/7 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Lệnh giới nghiêm - kéo dài từ 20h00 ngày hôm trước đến 5h00 sáng hôm sau - sẽ được áp dụng đối với 29 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, lệnh giới nghiêm này còn cấm cả hoạt động giao thông đường bộ đối với những phương tiện cá nhân đến và đi giữa các địa phương vừa nêu, nhưng không áp dụng đối với hoạt động vận chuyển người và hàng hóa. Tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia Bắc Phi này đã ghi nhận tổng cộng 21.355 ca nhiễm, trong đó có 1.052 người tử vong. Đặc biệt, số ca bệnh mới trong ngày 16/7 tiếp tục ở mức cao nhất kể từ đầu mùa dịch đến nay, với 585 trường hợp nhiễm mới và 12 người tử vong.
Châu Á hiện ghi nhận tổng cộng 3.194.400 ca nhiễm và 75.201 ca tử vong. Trong khi vực này, đáng lo ngại nhất là Ấn Độ với 1.005.367 ca nhiễm và 25.609 ca tử vong. Tại Nhật Bản, chính quyền thành phố Tokyo đã nâng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm lên mức cao nhất trong thang cảnh báo 4 cấp độ, đồng nghĩa dịch bệnh có thể lan rộng. Các nhà chức trách kêu gọi người dân tránh các chuyến đi không cần thiết tới các tỉnh khác và hạn chế tới các câu lạc bộ ban đêm và các nhà hàng vốn là những nơi chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Tại Israel, các bộ trưởng trong chính phủ đang cân nhắc áp đặt các biện pháp phong tỏa vào các ngày cuối tuần nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo nếu không tìm cách ngăn chặn việc bùng phát lây lan bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Israel sẽ có khoảng 1.600 ca bệnh nặng trong vòng 3 tuần tới. Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz đề xuất áp dụng lệnh giới nghiêm hàng đêm. Trong khi Cố vấn an ninh quốc gia Meir Ben Shabbat đề nghị đóng cửa ngay các bãi biển vào ngày 17/7 và áp dụng phong tỏa vào cuối tuần tương tự như đã làm trong dịp nghỉ lễ Passover của người Do Thái trong tháng 4 vừa qua. Hiện, Israel ghi nhận 46.059 ca nhiễm và 384 ca tử vong.
Bích Liên/TTXVN
Tags