(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 27/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 16.412.794 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 652.039 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục hiện là 10.042.362 người.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19 với 4.371.839 ca nhiễm và 149.849 ca tử vong.
Tại châu Mỹ, giới chức y tế Brazil ngày 26/7 cho biết trong 24 giờ qua số ca tử vong tại nước này đã tăng 555 ca lên tổng cộng 87.004 ca. Số ca nhiễm tăng 24.578 ca lên 2.419.091 ca. Số bệnh nhân bình phục là 1.634.274 người. Brazil đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao thứ hai thế giới sau Mỹ.
Peru hiện là ổ dịch COVID-19 thứ 2 tại khu vực Mỹ Latinh, sau Brazil, với hơn 379.000 ca nhiễm và hơn 18.000 ca tử vong.
- Dịch COVID-19: Số ca tử vong ở Brazil vượt 50.000
- Brazil sẽ thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 của Đại học Oxford
Chính phủ Peru đã phê duyệt một khoản trợ cấp đặc biệt cho gần 700.000 hộ gia đình ở khu vực nông thôn nhằm giảm bớt tác động từ khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Cụ thể, mỗi hộ sẽ nhận được 760 sol (gần 200 USD) từ nguồn ngân sách chính phủ cấp cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương do tình trạng khẩn cấp y tế.
Bộ Y tế Mexico ngày 26/7 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 5.480 ca nhiễm mới và 306 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lên lần lượt 390.516 ca và 43.680 ca. Chính phủ Mexico cho rằng số ca nhiễm thực tế tại nước này còn cao hơn.
Tại châu Âu, trước tình hình đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại sau gần một tháng nới lỏng đi lại giữa các nước trong khối, nguồn tin từ chính phủ Anh ngày 26/7 cho biết London có thể sẽ tái áp dụng quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh vào Anh từ một số nước. Quy định này sẽ áp dụng cho cả công dân Anh và người nước ngoài.
Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết đang cân nhắc khả năng yêu cầu những người đến từ một số nước ở khu vực Tây Balkan và Thổ Nhĩ Kỳ phải có chứng nhận xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh.
Pháp cũng yêu cầu người nhập cảnh từ 16 nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) bắt buộc phải kiểm tra COVID-19 khi vào Pháp. Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 26/7 cho biết Paris không loại trừ khả năng có thể sẽ phải áp dụng trở lại lệnh phong tỏa, dù ưu tiên của Pháp hiện nay vẫn là "phòng ngừa" và phong tỏa cục bộ ở những địa phương có số ca mắc tăng đột biến.
Tại Algeria, Văn phòng Thủ tướng Algeria cho biết chính phủ nước này đã quyết định gia hạn phong tỏa trở lại thêm 15 ngày đối với 29 tỉnh-thành phố trên toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, lệnh mới còn cấm hoạt động vận tải công cộng và tư nhân vào cuối tuần đối với 29 tỉnh-thành phố; cho phép người đứng đầu các địa phương áp đặt, sửa đổi hoặc điều chỉnh giờ giới nghiêm tùy thuộc diễn biến dịch bệnh; tiếp tục khử trùng tại các địa điểm công cộng và điểm kết nối giữa các địa phương.
Theo số liệu do cơ quan chức năng Algeria công bố chiều 26/7 (theo giờ địa phương), quốc gia Bắc Phi này đã ghi nhận tổng cộng 27.357 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.155 ca tử vong. Algeria hiện đứng thứ 5 trong số các nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất ở châu Phi, sau Nam Phi, Ai Cập, Nigeria và Ghana.
Đặng Ánh/TTXVN
Tags