Mỹ lạc quan có thể kiểm soát dịch Covid-19 vào mùa Xuân 2022

Thứ Ba, 24/08/2021 22:10 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Mỹ có thể kiểm soát đại dịch Covid-19 vào đầu năm tới, căn cứ vào việc có thêm nhiều vaccine ngừa Covid-19 được cấp phép đầy đủ trong những tuần tới. 

Thế giới hơn 212 triệu ca mắc Covid-19, hơn 4,44 triệu người đã chết

Thế giới hơn 212 triệu ca mắc Covid-19, hơn 4,44 triệu người đã chết

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h sáng 23/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 212,55 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 4,44 triệu bệnh nhân đã tử vong. Hiện số bệnh nhân phục hồi là hơn 190,15 triệu người.

(Tiếp tục cập nhật)

Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci đã đưa ra dự báo lạc quan trên ngày 24/8, một ngày sau khi vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) phối hợp sản xuất với hãng BioNTech (Đức) được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Tiến sĩ Fauci cho biết việc FDA cấp phép đầy đủ cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech đã mở đường cho có thêm nhiều người được tiêm vaccine này. Dự kiến, FDA có thể cấp phép đầy đủ đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna và hãng Johnson&Johnson trong những tuần tới, cũng như có thể cho phép tiêm vaccine cho trẻ nhỏ vào mùa Thu này. 

Trong chương trình “Today” trên đài truyền hình NBC, ông Fauci nêu rõ: “Nếu chúng ta tiêm chủng cho phần lớn trong số 80-90 triệu người chưa tiêm chủng, những người không muốn tiêm hay những người không có cơ hội tiêm, tôi tin rằng chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”. 

Quan chức y tế cấp cao này của Mỹ hy vọng việc FDA đã cấp phép đầy đủ cho vaccine của Pfizer/BioNTech sẽ khuyến khích có thêm nhiều chính quyền cấp bang và địa phương cũng như các chủ doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức khác yêu cầu người dân, nhân viên phải tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 17/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia thu phí tiêm vaccine Sinopharm cho người nước ngoài

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 24/8, chính quyền thành phố Jakarta phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 có tính phí dành cho người nước ngoài.

Phát biểu trước báo giới, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan nêu rõ chương trình trên nằm trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng Gotong Royong (Hợp tác cùng nhau) do tư nhân tài trợ. Mỗi người nước ngoài phải trả 700.000 Rupiah (gần 49 USD) cho một liều vaccine nếu muốn tiêm phòng. Loại vaccine được sử dụng cho chương trình này là vaccine của hãng dược Sinopharm của Trung Quốc. 

Thống đốc Anies cho biết thêm số lượng người nước ngoài tạm trú tại Indonesia khá lớn. Chính quyền thành phố Jakarta cam kết cung cấp 1.000 liều vaccine mỗi ngày cho các đối tượng này và hiện có 356 người đăng ký tiêm.

Chương trình này được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho những người nước ngoài không thể tiêm chủng tại các đại sứ quán. Để tham gia chương trình tiêm chủng Gotong Royong có tính phí, người nước ngoài phải xuất trình hộ chiếu và thẻ cư trú tạm thời (KITAS), đồng thời đăng ký trước qua trang web của Kadin.

Chú thích ảnh

F0 ở Hàn Quốc tăng trở lại trên 1.500 ca/ngày

Số ca mắc mới Covid-19 của Hàn Quốc đã tăng trở lại trên mức 1.500 ca/ngày, với 1.509 ca ghi nhận ngày 24/8, đưa tổng số lên 239.287 ca kể từ đầu dịch.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong số các ca mắc mới có 1.470 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Hàn Quốc, ở mức trên 1.000 ca trong ngày thứ 49 liên tiếp, thường giảm vào thứ 2 và thứ 3 hàng tuần do có ít xét nghiệm hơn vào cuối tuần nhưng tăng trở lại từ thứ 4. Cũng theo cơ quan trên, số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở Hàn Quốc cũng tăng 6 ca lên 2.228 ca. 

Đáng chú ý, Hàn Quốc đến nay ghi nhận tổng cộng 2.599 ca mắc COVID-19 mặc dù đã tiêm phòng đầy đủ. Con số này tương đương cứ 100.000 người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ liều thì có 35,1 người nhiễm bệnh sau tiêm. 

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh hầu hết ca mới gần đây là những người từ 20-30 tuổi và phần lớn chưa tiêm vaccine. 

Chú thích ảnh
Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch tiêm phòng. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ tháng 3

Tại Anh, Cơ quan Y tế Công cộng England cho biết trong vòng 7 ngày qua, Anh ghi nhận trung bình 100 ca tử vong/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3. 

Theo phóng viên TTXVN tại London, dù số ca tử vong hiện thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của mùa Đông năm ngoái (khi có tới 1.248 ca được ghi nhận trong ngày 23/1), các nhà khoa học cho rằng đây là mức tăng đáng chú ý kể từ cuối tháng 5, đầu tháng 6. Các nhà khoa học cảnh báo tỷ lệ tử vong do COVID-19 sẽ tiếp tục tăng khi hàng triệu học sinh và sinh viên trên khắp nước Anh tựu trường vào tuần tới.

Số liệu của cơ quan trên ngày 23/8 cũng cho biết số ca mắc mới (31.914 ca) cũng bắt đầu tăng trở lại sau khi giảm mạnh vào giữa tháng 7. Số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua tăng 13% so với tuần trước. Số ca nhập viện tăng từ 672 ca vào ngày 31/7 lên 948 ca vào ngày 17/8.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Portsmouth , Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ hối thúc người dân tiêm vaccine

Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc những người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 nên đi tiêm trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 lây lan nhanh. 

Ông đưa ra lời kêu gọi trên sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ cho vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech phối hợp bào chế.

Tổng thống Biden nêu rõ: “Nếu bạn là một trong hàng triệu người Mỹ nói rằng sẽ không tiêm vaccine ngừa COVID-19 chừng nào FDA chưa cấp phép đầy đủ cho vaccine đó, thì điều này giờ đã xảy ra”. Theo đó, ông kêu gọi những người chưa tiêm vaccine đi tiêm phòng ngay lập tức. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân yêu cầu nhân viên tiêm vaccine phòng COVID-19.  

Trong những tuần gần đây, chính quyền Mỹ yêu cầu các nhân viên liên bang, thành viên các lực lượng vũ trang, cùng với nhân viên của các viện dưỡng lão và cơ sở y tế liên bang bắt buộc tiêm vaccine. Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, tính đến hết ngày 22/8, đã có 51,5% dân số nước này được tiêm đủ liều vaccine.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho một quân nhân tại bang Washington, Mỹ ngày 17/12/2020. Ảnh: Civilbeat/TTXVN

Cùng ngày 23/8, Nhà Trắng thông báo Mỹ có kế hoạch cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho những người tị nạn Afghanistan đang ở trong các căn cứ quân sự của Mỹ.

Biến thể Delta chiếm đến 98,8% số ca bệnh tại Mỹ

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h sáng 24/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 213,22 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 4,45 triệu bệnh nhân đã tử vong. Hiện số bệnh nhân phục hồi là hơn 190,8 triệu người.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh với hơn 38,76 triệu ca nhiễm, trong đó 645.937 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, số ca nhiễm mới, số người phải nhập viện và tử vong tiếp tục tăng lên do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh gây ra.

Số ca nhiễm mới trung bình trong vòng 7 ngày tính đến ngày 17/8 tại Mỹ là 133.056 ca/ngày, tăng 14% so với tuần trước đó (với 116.740 ca/ngày). Số ca phải nhập viện trong cùng thời gian này cũng tăng 14,2%. Trong khi đó, số người không qua khỏi cũng tăng 10,8%. Hiện số ca nhiễm biến thể Delta chiếm đến 98,8% số ca bệnh tại Mỹ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Houston, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ấn Độ đứng thứ 2 với hơn 32,46 triệu ca nhiễm, trong đó 435.050 ca tử vong. Giới nghiên cứu y khoa Ấn Độ đã đưa ra dự báo về làn sóng dịch bệnh thứ 3 ở nước này khi cho rằng một làn sóng COVID-19 thứ ba có thể đạt đỉnh điểm vào tháng 11 tới nếu một biến thể mới nguy hiểm hơn biến thể Delta xuất hiện và lây lan vào cuối tháng 9.

Đồng thời, trong làn sóng thứ ba này, số lượng ca nhiễm mới có thể không tăng cao như làn sóng thứ hai và nhiều khả năng diễn biến tương tự làn sóng đầu tiên. Đứng thứ 3 là Brazil với hơn 20,583 triệu ca nhiễm, trong đó 574.944 ca tử vong.

Ở châu Âu, Chính phủ liên bang Đức cho biết sẽ hỗ trợ các bang ở nước này 200 triệu euro để trang bị hệ thống lọc không khí cơ động trong trường học và nhà trẻ. Số tiền trên sẽ được phân bổ cho các bang theo quy định và chính quyền các địa phương cũng sẽ phải gánh một phần chi phí. Thông báo của Bộ Kinh tế liên bang Đức cho rằng cần phải có biện pháp tốt nhất bảo vệ trẻ em dưới 12 tuổi ở các trường học và nhà trẻ - những đối tượng hiện chưa có vaccine phòng COVID-19.

Bộ trưởng Kinh tế liên bang Peter Altmaier nhấn mạnh mục đích của các biện pháp trên là duy trì việc học tại trường cho các em vào mùa Thu và mùa Đông này. Các thiết bị lọc không khí cơ động có thể giúp các trường học và nhà trẻ tận dụng được không gian an toàn mà việc lưu thông không khí chưa hiệu quả.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên quan tình hình dịch bệnh ở Đức, kể từ ngày 23/8, chính quyền nhiều bang ở nước này bắt đầu áp dụng quy tắc 3G (viết tắt của 3 chữ: đã tiêm phòng, đã khỏi bệnh và đã xét nghiệm) để những người thuộc diện 3G có thể dễ dàng tham gia vào cuộc sống bình thường. Cụ thể, những ai muốn vào nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát, cửa hàng làm tóc, phòng tập gym, bể bơi và trung tâm thể thao, bệnh viện, viện dưỡng lão và các cơ sở tương tự... cần phải mang theo giấy tờ hoặc thông tin chứng minh đã tiêm đủ, đã khỏi bệnh hoặc vừa làm xét nghiệm với kết quả âm tính (xét nghiệm nhanh có giá trị trong 24 giờ, xét nghiệm PCR trong 48 giờ). Đức hiện ghi nhận 3,873 triệu ca nhiễm, trong đó 91.979 ca tử vong.

Tại khu vực Trung Đông, chính quyền Palestine đã quyết định tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho một số nhóm người theo chỉ định, trong đó có nhân viên y tế, người có bệnh nền và người cao tuổi. Quyết định được ban hành sau hội nghị của ủy ban khẩn cấp quốc gia ứng phó với dịch bệnh của Palestine. Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtayeh Ishtayeh kêu gọi các viên chức giáo dục và sinh viên đi tiêm vaccine nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ông cũng cho biết chính quyền đang chuẩn bị tiêm vaccine cho học sinh trên 16 tuổi. Dự kiến, trong ngày 24/8 Palestine sẽ tiếp nhận 200.000 liều vaccine của Moderna do Mỹ tài trợ thông qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đến nay, cơ quan y tế Palestine đã xác nhận 356.875 ca bệnh, trong đó có 3.910 ca tử vong và hiện có 712.501 người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó 439.024 đã được tiêm đủ 2 liều.

Tại châu Mỹ, Chính phủ Peru quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia để ứng phó với đại dịch COVID-19 cho đến hết tháng 9 tới. Trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia, việc thực hiện các quyền hiến định liên quan đến tự do, an ninh cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, quyền tự do hội họp và quá cảnh trong lãnh thổ, đều sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, Chính phủ Peru cũng thông báo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương trên cả nước.

Theo đó, 24 tỉnh thành của Peru sẽ được phân loại ở các mức: nghiêm trọng, rủi ro rất cao, rủi ro cao và rủi ro trung bình. Tùy theo tình hình dịch bệnh đã được phân loại, các địa phương sẽ áp dụng các biện pháp phòng dịch khác nhau do chính phủ khuyến cáo, bao gồm thời gian giới nghiêm, sức chứa tối đa tại các địa điểm công cộng và các hạn chế liên quan đến việc sử dụng phương tiện giao thông.

Các nhân viên thuộc Cảnh sát quốc gia Peru và Lực lượng vũ trang của nước này có nhiệm vụ bảo đảm việc tuân thủ các quy định được ban hành trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp. Đến nay, Peru đã ghi nhận hơn 2,14 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 198.000 trường hợp tử vong. Theo Bộ Y tế Peru, khoảng 7,5 triệu người trong tổng số 33 triệu dân đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 theo chỉ định.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›