Dịch Covid-19 thế giới đến sáng 7/7: Hàn Quốc lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 4

Thứ Tư, 07/07/2021 10:55 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 8h00 sáng 7/7 theo giờ Việt Nam,  thế giới ghi nhận tổng cộng 185.353.604 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.008.566 ca tử vong. Hiện vẫn còn 11.644.400 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, 169.700.638 người đã hồi phục và xuất viện.   

Thế giới hơn 184 triệu ca mắc Covid-19, gần 4 triệu người đã tử vong

Thế giới hơn 184 triệu ca mắc Covid-19, gần 4 triệu người đã tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 5/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 184.547.730 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.993.056 ca tử vong.

Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 với 34.618.296 ca nhiễm và 621.563 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 30.662.896 ca nhiễm và 404.240 ca tử vong; Brazil với 18.855.015 ca nhiễm và  527.016 ca tử vong.   

Tính theo khu vực, châu Á ghi nhận tổng cộng 56.743.578 ca nhiễm và 806.153 ca tử vong; châu Âu có tổng cộng 48.434.488 ca nhiễm và 1.108.299 ca tử vong; Bắc Mỹ có tổng cộng 40.776.692 ca bệnh và 921.422 ca tử vong; Nam Mỹ có 33.538.651 ca bệnh và 1.023.073 ca tử vong; châu Phi ghi nhận 5.782.014 ca bệnh và 148.304 ca tử vong; châu Đại Dương có 77.460 ca bệnh và 1.300 ca tử vong.       

Tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận thêm hơn 1.200 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ hai có số ca bệnh nhiều nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này và làm dấy lên lo ngại khả năng xuất hiện làn sóng dịch bệnh lần thứ 4.  

Thông báo trên được Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum đưa ra sáng 7/7 trong một cuộc họp liên ngành hằng ngày về ứng phó với dịch bệnh của quốc gia. Ông Kim Boo-kyum cũng cho biết chính phủ sẽ gia hạn thêm 1 tuần các quy định giãn cách xã hội hiện tại. Ngày đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất là ngày 25/12 năm ngoái với 1.240 ca.       

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Cordoba, Argentina. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản ngày 6/7 đã quyết định siết chặt kiểm soát nhập cảnh đối với hàng loạt các quốc gia và khu vực để ngăn ngừa sự xâm nhập của các biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vào nước này.       

Cụ thể, từ nửa đêm ngày 9/7, tất cả những người nhập cảnh từ Zambia, Indonesia và Kyrgyzstan, bao gồm công dân Nhật Bản về nước, sẽ cách ly 10 ngày tại các cơ sở chính phủ chỉ định. Họ cũng sẽ phải làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào các ngày thứ 3, 6 và 10 sau khi nhập cảnh Nhật Bản.

Những người nhập cảnh hoặc hồi hương từ Argentina, Uruguay, Ecuador, Cuba, Colombia, Sulinum, Seychelles, Chile, Trinidad và Tobago, Thổ Nhĩ Kỳ, Paraguay, Fiji, Venezuela, Belarus, Bolivia, Libya cùng với 3 bang của Mỹ và 4 khu vực ở Nga sẽ cách ly tại các cơ sở chỉ định trong 3 ngày. Họ cũng sẽ phải làm xét nghiệm vào ngày thứ 3 sau khi nhập cảnh.      

Những người nhập cảnh hoặc trở về từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ cách ly 6 ngày tại cơ sở chỉ định và sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3 và thứ 6 sau khi nhập cảnh Nhật Bản.     

Những người nhập cảnh hoặc trở về từ Estonia, Nigeria, Pháp và các bang Kansas, Delaware và Maine của Mỹ có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 ngay khi nhập cảnh sẽ không phải cách ly ở cơ sở chỉ định mà thực hiện cách ly ở nhà 14 ngày sau khi nhập cảnh Nhật Bản.           

Liên quan vấn đề vaccine, Hạ viện Brazil ngày 6/7 đã thông qua nội dung chính của một dự luật cho phép phá bỏ bản quyền trong sản xuất vaccine và các loại dược phẩm trong các trường hợp tình trạng y tế công khẩn cấp hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia.         

Theo đó, dự luật ủy quyền cho Quốc hội Brazil thông qua luật phá bỏ bản quyền mà không cần sự chấp thuận hay hỗ trợ của các hãng dược phẩm. Cuối tháng 4 vừa qua, Thượng viện Brazil cũng đã thông qua dự luật cho phép miễn bản quyền vaccine COVID-19 trong thời gian đại dịch.         

Cùng ngày, cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa thông báo đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng mới đối với ứng cử viên vaccine phòng COVID-19 do Sanofi Pasteur - bộ phận sản xuất vaccine của tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp, phát triển và thử nghiệm. Theo Anvisa, đây sẽ là vaccine "thế hệ tiếp theo" sử dụng công nghệ mRNA và nghiên cứu lâm sàng ở giai đoạn 1 và 2, với khoảng 150 tình nguyện viên ở Brazil.        

Rạng sáng nay 7/7 theo giờ Việt Nam, Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki tuyên bố Mỹ viện trợ 2 triệu liều vaccine của hãng Moderna cho Việt Nam và 1,5 triệu liều vaccine cũng của hãng này cho Guatemala.        

Bà Jen Psaki  nêu rõ: "Guatemala và Việt Nam sẽ được nhận các liều vaccine phòng COVID-19 hỗ trợ của chính quyền Tổng thống Biden - Phó Tổng thống Harris".       

Trước đó, Tổng thống Biden đã cam kết Mỹ sẽ dành 80 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do nước này sản xuất để hỗ trợ các nước khác trên thế giới.

Minh Châu/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›