(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 8/8 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 203.178.675 ca mắc COVID-19 và 4.304.126 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 182.540.258 ca.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 616.718 ca tử vong trong số 35.739.777 ca mắc. Tiếp đến là Brazil với 562.752 ca tử vong trong số 20.151.779 ca mắc, Ấn Độ với 427.862 ca tử vong và 31.934.455 ca mắc, Mexico với 244.248 ca tử vong và 2.964.244 ca mắc, Peru với 196.873 ca tử vong và 2.124.128 ca mắc.
Xét theo dân số, Peru là nước có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất với 597 ca/100.000 dân, tiếp theo là Hungary (311 ca), Bosnia-Herzegovina (295 ca), CH Séc (284 ca) và Brazil (265 ca).
Điểm nóng của dịch COVID-19 trên thế giới hiện nay vẫn là khu vực Đông Nam Á. Ngày 8/8, Malaysia ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ đầu dịch với 360 ca, trong khi Philippines cũng ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ tháng 4 với 287 ca. Về số ca mắc mới, Malaysia tăng thêm 18.688 ca lên 1,26 triệu ca, Philippines tăng 9.671 ca lên 1,66 triệu ca, Thái Lan tăng 19.983 ca lên 756.505 ca.
Đáng chú ý, tại Brunei, các ca nhiễm trong cộng đồng bùng phát trở lại sau hơn 1 năm đã buộc chính phủ nước này phải áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Theo đó, Chính phủ Brunei đã đóng cửa tất cả các địa điểm tôn giáo, trung tâm giải trí, rạp chiếu phim, hủy các sự kiện xã hội, các sự kiện lớn chỉ được giới hạn 30 người, các trường học chuyển sang học trực tuyến, các nhà hàng chỉ được bán mang về trong 2 tuần. Ngoài ra, tất cả người dân phải đeo khẩu trang, kể cả những người đã hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tại Malaysia, những người đã tiêm chủng đủ liều lại được nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Cụ thể, từ ngày 10/8, những người trở về từ nước ngoài nếu đã tiêm chủng đầy đủ có thể cách ly tại nhà với điều kiện họ có nhà ở Malaysia, những cặp vợ chồng có thể đi lại giữa các bang để thăm nhau và các bậc phụ huynh có thể đi thăm con dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, những người đã hoàn thành tiêm chủng còn được phép cầu nguyện ở các địa điểm thờ tự, vào nhà hàng ăn uống...
Tại khu vực Đông Bắc Á, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Nhật Bản. Ngày 8/8, thêm 8 tỉnh siết chặt các biện pháp phòng dịch, theo đó các nhà hàng phải cắt giảm thời gian mở cửa và ngừng phục vụ đồ uống có cồn. Như vậy, tính tới nay, có tất cả 13 tỉnh, thành tại Nhật Bản đang áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch lây lan, trong khi thủ đô Tokyo và 5 tỉnh khác cũng đang áp đặt tình trạng khẩn cấp.
Tại Tokyo nói riêng, 4.066 ca mới được ghi nhận trong ngày 8/8 - ngày thi đấu cuối cùng tại Olympic Tokyo 2020. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 tại Tokyo vượt ngưỡng 4.000 ca. Còn tại Trung Quốc đại lục, có thêm 81 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó tỉnh Giang Tô (Jiangsu) có số ca nhiễm cao nhất, với 38 ca, sau đó là Hà Nam (Henan), với 24 ca. Tính đến nay, Trung Quốc ghi nhận 93.701 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó 1.507 bệnh nhân vẫn đang phải điều trị, 44 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Tại khu vực Trung Đông, Iran lần đầu tiên ghi nhận hơn 500 ca tử vong vì COVID-19 (542 ca), trong khi số ca mới theo ngày cũng ở mức cao chưa từng thấy với 39.619 ca mới, đưa tổng số ca tử vong và mắc bệnh lên lần lượt 94.015 ca và 4.158.729 ca. Ở Bờ Tây, người đứng đầu lĩnh vực y tế của chính quyền Palestine Mai al-Kaila ngày 7/8 thông báo biến thể Delta chiếm tới 95% số ca bệnh tại đây.
- Đông Nam Á tăng tốc trong nỗ lực bao phủ vaccine
- Biến thể Delta lây lan nhanh đang đẩy lùi nỗ lực chống dịch tại Đông Nam Á
- AstraZeneca đẩy mạnh nguồn cung vaccine cho Đông Nam Á
Tuy nhiên, bà cho rằng tình hình dịch tễ tại Bờ Tây chưa cần thiết phải phong tỏa. Hiện nhà chức trách đang nỗ lực hạn chế sự lây lan của virus và sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết. Cùng ngày, Bộ Y tế Israel thông báo ghi nhận thêm 4.221 ca mắc mới và 19 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 897.326 và 6.535. Số ca bệnh đang phải điều trị tại Israel hiện lên tới 31.736 ca - mức cao nhất kể từ ngày 13/3.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Saudi Arabia đưa tin nước này sẽ cho phép tất cả những người nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 tham dự hành hương Umrah tại Mecca. Động thái trên diễn ra khoảng 18 tháng sau khi nước này đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo nhà chức trách Saudi Arabia, từ ngày 9/8, nước này sẽ dần tiếp nhận yêu cầu hành hương Umrah từ các nước khác.
TTXVN
Tags