(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 2/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 115.115.087 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.552.720 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 90.811.774 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 527.386 ca tử vong trong tổng số 29.315.639 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 157.360 ca tử vong trong số 11.136.452 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 255.836 ca tử vong trong số 10.589.608 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Cộng hòa Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 193 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 191 người và Slovenia 185 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 37,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 856.000 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 680.300 ca tử vong trong hơn 21,4 triệu ca nhiễm.
Bắc Mỹ có hơn 536.600 ca tử vong trong hơn 29,5 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 256.900 ca tử vong trong hơn 16,1 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 104.400 ca tử vong, châu Phi có hơn 104.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 951 người.
Tại châu Á, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 Thái Lan ngày 2/3 cho biết nước này ghi nhận thêm 42 ca nhiễm COVID-19, phần lớn là lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca tử vong cũng tăng thêm 1 ca, là cụ ông 92 tuổi có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường và huyết áp cao. Trong số các ca nhiễm mới có tới 39 ca lây nhiễm cộng đồng, trong đó riêng tỉnh Samut Skhon có 24 ca.
Nước láng giềng Campuchia cùng ngày ghi nhận thêm 24 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc liên quan đến đợt lây nhiễm cộng đồng lần thứ 3 lên 340 ca. Các ca mắc mới được phát hiện tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Preha Sihanouk ở Tây Nam, liên quan đến đợt lây nhiễm bắt đầu từ ngày 20/2. Thủ tướng Hun Sen tuần trước đã kêu gọi tất cả những người liên quan đến đợt dịch thứ 3 đi xét nghiệm và tự cách ly 14 ngày. Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn đợt dịch này, các trường học, phòng tập gym và các địa điểm giải trí cũng như nhiều cơ sở kinh doanh tạm thời đóng cửa.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Indonesia cho biết nước này ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2 B117 được phát hiện tại Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn. Theo số liệu thống kê trên trang worldometers, đến nay Indonesia ghi nhận 1.341.314 ca nhiễm COVID-19, với 36.325 ca tử vong.
Bộ Y tế Philippines cũng thông báo nước này đã ghi nhận 6 trường hợp đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Nam Phi. Trong những trường hợp trên, 3 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 2 trường hợp là người Philippines trở về từ nước ngoài. Lực lượng chức năng đang xác định nguồn lây của trường hợp còn lại.
Trong khi đó, Iran cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 tại nước này, sau khi số ca tử vong trong ngày vượt mức 100 ca/ngày lần đầu tiên kể từ đầu tháng 1. Người phát ngôn Bộ Y tế và Giáo dục y tế Iran Sima Sadat Lari cho biết nước này đã ghi nhận 104 ca tử vong trong 24 giờ qua và đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 4. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này là 60.181 ca. Theo bộ trên, từ ngày 28/2-1/3, Iran ghi nhận thêm 8.510 ca mắc mới, trong đó 812 người phải nhập viện, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Hồi giáo này lên 1.639.679 ca.
Tại châu Âu, Tây Ban Nha đã ghi nhận 10.528 ca tử vong do dịch COVID-19 trong tháng 2 vừa qua. Đây là con số tồi tệ nhất kể từ tháng 4 năm ngoái khi Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 16.354 ca tử vong do COVID-19 trong giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng thứ nhất. Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này gần chạm mức 70.000 ca. Bộ này nhấn mạnh tuy đỉnh điểm của làn sóng dịch thứ 3 đã qua với tổng số ca mắc trong 14 ngày giảm xuống mức trung bình 175 ca trên 100.000 dân, thấp hơn nhiều so với mức gần 900 ca hồi cuối tháng 1 vừa qua, song vẫn là con số cao.
Để bảo vệ những nỗ lực phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ Pháp quyết định trong 4 đến 6 tuần tới sẽ duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm cùng các biện pháp phong tỏa như đóng cửa quán rượu, nhà hàng và viện bảo tàng. Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 3,7 triệu ca, đứng thứ 6 thế giới.
Trong khi đó, tại châu Phi, Thủ tướng Algieria đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm thêm 15 ngày kể từ ngày 2/3 tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm thủ đô Algiers, để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Người dân tại các tỉnh thành bị áp đặt sẽ không được phép ra khỏi nhà từ 22h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau. Bên cạnh đó, chính phủ cũng quyết định tiếp tục gia hạn lệnh cấm trên cả nước đối với tất cả các hình thức tụ tập đông người, kể cả các cuộc tụ họp gia đình. Chính phủ đồng thời cảnh báo người dân thận trọng trước nguy cơ một số biến thể của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Algeria.
Liên quan đến các chiến dịch tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19, chuyên gia y tế hàng đầu của Trung Quốc - ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) thông báo nước này đặt mục tiêu đến cuối tháng 7 tới sẽ tiêm phòng COVID-19 cho 40% dân số. Theo ông Chung Nam Sơn, tỷ lệ tiêm vaccine trên 100 dân ở Trung Quốc hiện nay là 3,56. Trong số 40% dân số được tiêm phòng nêu trên bao gồm cả những người đã tiêm một và hai mũi. Ba loại vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất yêu cầu phải tiêm hai mũi, trong khi một loại vaccine khác yêu cầu một liều duy nhất. Tính đến ngày 28/2 vừa qua, hơn 50,5 triệu người ở Trung Quốc đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo giới chức y tế Bồ Đào Nha, nước này sẽ tăng thời gian giữa hai liều tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech từ 21 ngày lên 28 ngày. Trợ lý Quốc vụ khanh về Y tế Antonio Lacerda Sales cho biết: "Chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch của mình cho phù hợp với thực tế, phụ thuộc vào kế hoạch cung cấp vaccine". Theo quan chức trên, sự thay đổi này sẽ giúp đạt mục tiêu là tiêm phòng cho thêm 100.000 người vào cuối tháng 3. Đến nay, 35% người trên 80 tuổi và 70% nhân viên y tế của Bồ Đào Nha đã được tiêm liều đầu tiên.
- Chiều 2/3 không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới
- Những điều cần biết về vaccine Covid-19 AstraZeneca
- WHO cảnh báo đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc vào cuối năm 2021
Tại Mỹ, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm - Tiến sĩ Anthony Fauci cho rằng Mỹ phải quyết tâm với chiến lược tiêm phòng đủ 2 liều vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna. Ông Fauci cảnh báo việc trì hoãn liều tiêm thứ hai sẽ đặt ra nhiều nguy cơ, làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine, tạo điều kiện cho các biến thể lây lan và có thể làm gia tăng sự hoài nghi của người dân vốn đang do dự trong việc tiêm vaccine. Ông đồng thời khuyến khích người Mỹ nên chấp nhận tiêm bất kỳ loại nào trong ba loại vaccine đã được được cấp phép, gồm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và vaccine một liều duy nhất của hãng Johnson & Johnson, vừa được Mỹ cấp phép ngày 27/3 vừa qua.
Colombia đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ tiếp nhận vaccine ngừa COVID-19 thông qua Cơ chế cung cấp vaccine toàn cầu (COVAX). Như vậy, đến nay cơ chế COVAX đã cung cấp vaccine cho 3 quốc gia gồm Ghana, Côte d'Ivoire và Colombia. Lô vaccine đầu tiên của COVAX cho Colombia gồm 117.000 liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech sản xuất. Colombia là nước có số ca nhiễm nhiều thứ hai Mỹ Latinh, sau Brazil. Nước này đã bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà từ cách đây 2 tuần và hiện đã tiêm cho 130.000 người, hầu hết là nhân viên y tế. Các nước khác trong khu vực như Peru, Al Salvador và Bolivia cũng dự định sẽ sớm nhận được vaccine từ COVAX. Số người tiếp cận với vaccine thông qua COVAX sẽ tiếp tục tăng mạnh theo từng tháng và khoảng 280 triệu liều sẽ đến châu Mỹ và vùng Caribe vào cuối năm 2021.
TTXVN
Tags