(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/9, người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris cho biết không nên kỳ vọng việc phổ biến vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trước giữa năm 2021, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về tính hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine.
Phát biểu với báo giới tại Geneva, Thụy Sĩ, người phát ngôn Harris nhấn mạnh giai đoạn 3 sẽ mất nhiều thời gian hơn do cần phải kiểm chứng khả năng bảo vệ và mức độ an toàn của vaccine.
Hiện trên thế giới có hơn 250 loại vaccine ngừa COVID-19 đang được nghiên cứu và thử nghiệm, trong đó có 7 loại tiềm năng nhất đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng. WHO khẳng định điều này không có nghĩa vaccine ngừa COVID-19 gần như đã sẵn sàng được phân phối rộng khắp trên thế giới.
Cùng ngày, công ty dược phẩm Đức Curevac thông báo sẽ có thể sản xuất quy mô lớn vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.
Tỷ phú Dietmar Hopp, một trong các nhà đầu tư của Curevac, bày tỏ hy vọng công ty có thể sản xuất được 100 triệu liều vaccine vào cuối năm nay. Ông cho biết vaccine sẽ được nhà chức trách phê duyệt vào mùa Xuân hoặc mùa Hè năm sau, song việc sử dụng có thể được thông qua một cách hạn chế trong năm nay, nhằm tiêm chủng cho những người có nguy cơ mắc COVID-19 hoặc khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Curevac nằm trong số các doanh nghiệp đang bào chế vaccine dựa trên các phân tử mang mã gene RNA thông tin (mRNA). Ngoài ra, Curevac có thể mở rộng hợp tác với Grohmann, một chi nhánh của tập đoàn Telsa của tỷ phú Mỹ Elon Musk, trong việc phát triển máy in RNA, từ đó giúp sản xuất vaccine trên diện rộng.
Trong khi đó, hãng dược phẩm Thụy Sĩ Roche thông báo Mỹ "bật đèn xanh" trong việc sử dụng khẩn cấp xét nghiệm giúp phân biệt giữa viurs SARS-CoV-2 và cúm.
Trong bối cảnh có nhiều quan ngại rằng mùa cúm sẽ tạo thêm gánh nặng lên hệ thống y tế, nhà chức trách Mỹ mong muốn có thể xét nghiệm để phân biệt rõ giữa COVID-19 và cúm mùa. Roche nêu rõ xét nghiệm SARS-CoV-2 & Influenza A/B đã được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn việc sử dụng khẩn cấp. Công ty cho biết xét nghiệm này sẽ được dụng tại những quốc gia mà chứng nhận CE của Liên minh châu Âu (EU) được chấp thuận.
- WHO hy vọng đại dịch COVID-19 có thể chấm dứt vào... 2 năm tới
- WHO: Hơn 30 quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 trong ngày vượt 1.000 ca
- WHO khẳng định không có bằng chứng về việc COVID-19 lây lan qua thực phẩm
Giám đốc điều hành Roche Diagnostics Thomas Schinecker cho hay trong bối cảnh mùa cúm đang tới gần, xét nghiệm mới này đóng vai trò quan trọng trong việc phân biệt hai căn bệnh do triệu chứng của chúng rất dễ nhầm lẫn. Giờ đây, chỉ với một lần xét nghiệm, các chuyên gia y tế có thể tự tin chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
Xét nghiệm sử dụng mẫu dịch mũi/họng của người nghi ngờ mắc bệnh hô hấp và sẽ được chẩn đoán tự động qua các máy cobas 6800 and 8800. Đây đều là những máy phổ biến tại bệnh viện và có thể tiến hành xét nghiệm quy mô lớn. Các máy này có thể cung cấp 96 kết quả trong khoảng 3 giờ.
Đặng Ánh/TTXVN
Tags