(Thethaovanhoa.vn) - Hãng tin Yonhap cho biết tính đến sáng 25/2, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 1 ca tử vong do dịch COVID-19 và 60 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 9 trường hợp và ca nhiễm là 893 người.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ nhanh chóng tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho toàn bộ thành viên giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) sau khi giáo phái này đồng ý cung cấp danh sách đầy đủ các thành viên của mình. Giới chức các nhà thờ của giáo phái này đã đồng ý cung cấp danh sách những người đến cầu nguyện và số điện thoại của họ để hỗ trợ các nỗ lực cách ly của nhà nước nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của COVID-19. Chính phủ Hàn Quốc cũng tuyên bố công khai minh bạch kết quả sau khi tiến hành xét nghiệm cho tất cả các thành viên giáo phái này.
Các động thái trên được đưa ra sau khi khoảng 60% ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc có liên quan đến nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk (Đông Nam Hàn Quốc). Ước tính khoảng 215.000 người là thành viên giáo phái Tân Thiên Địa tại Hàn Quốc. Riêng tại Daegu có khoảng 9.000 người, hầu hết đang tự cách ly, trong khi 1.200 người đã có các triệu chứng liên quan đến COVID-19.
- Chuyên gia Mỹ cảnh báo nguy cơ có một 'Vũ Hán mới' ở Hàn Quốc
- Dịch COVID-19: Hơn 50% số ca nhiễm bệnh tại Hàn Quốc liên quan đến giáo phái Shincheonji
Lo ngại mức độ lây lan nhanh của virus trong các cộng đồng từ tuần trước, Chính phủ Hàn Quốc đã nâng cảnh báo lên mức cao nhất chống COVID-19.
Tại một hội nghị ba bên ngày 25/2, Chính phủ, Văn phòng Tổng thống và đảng Dân chủ cầm quyền đã công bố các biện pháp đặc biệt nhằm tăng cường các nỗ lực cách ly trong vòng 7-10 ngày tới để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, bao gồm cả việc xây dựng ngân sách bổ sung. Các quan chức cũng yêu cầu xử lý nghiêm hoạt động tích trữ khẩu trang trái phép, và kêu gọi các nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa tạm ngừng hoạt động.
Chủ tịch Ủy ban của đảng Dân chủ chuẩn bị cho cuộc bầu cử tháng 4 tới, ông Lee Nak-yon cho biết: "Để kiềm chế dịch bệnh truyền nhiễm này, các biện pháp tối đa sẽ được áp dụng". Ông kêu gọi chính phủ hỗ trợ ngay lập tức đối với thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận, nơi số ca nhiễm đang tăng trong vài ngày qua.
Các quan chức tham gia cuộc họp trên cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc dành ra một ngân sách bổ sung để đối phó với tình hình. Bộ trưởng Tài chính Hong Nam-ki cũng nhất trí việc sử dụng các quỹ dự trữ trị giá 2.000 tỷ won (1,6 tỷ USD) trong thời gian sớm nhất. Một số nghị sĩ DP cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành một sắc lệnh khẩn cấp của tổng thống. Theo Hiến pháp, tổng thống có thể ban hành một sắc lệnh khi cần có các biện pháp hỗ trợ mạnh để giải quyết các tình huống kinh tế và tài chính nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 24/2, Tổng thống Moon Jae-in đã chỉ thị các quan chức chính phủ soạn thảo ngân sách bổ sung nhằm chống dịch COVID-19, mà các chuyên gia dự kiến cần hơn 10.000 tỷ won. Ngân sách của chính phủ năm 2020 đã ở mức kỷ lục 512.500 tỷ won.
Trong khi đó, các công ty lớn ở Hàn Quốc cho biết đã cho phép nhân viên làm việc tại nhà, như một biện pháp đề phòng khi dịch COVID-19 lây lan nhanh trên cả nước. Tập đoàn SK lớn thứ ba Hàn Quốc cho biết công ty SK Innovation và SK Telecom cùng 4 chi nhánh khác đã khuyến cáo nhân viên làm việc tại nhà trong 4 tuần tới, chỉ những nhân viên chính đến trụ sở. Tập đoàn Samsung yêu cầu các nữ nhân viên đang mang thai hoặc nam có vợ đang mang thai làm việc tại nhà cho đến hết ngày 1/3.
Tập đoàn LG Electronics cũng đưa ra khuyến cáo tương tự và yêu cầu nhân viên tại Daegu không đến khu vực sản xuất trong thời gian này. LG đang kiểm tra các hệ thống mạng và đám mây để hỗ trợ làm việc từ xa. Các công ty nước ngoài tại Hàn Quốc, trong đó có Intel và Microsoft, cũng khuyến cáo nhân viên của mình tại Hàn Quốc làm việc từ xa với sự hỗ trợ của video và hội thảo trực tuyến. Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc cũng khuyến cáo 180.000 công ty thành viên nên cho phép các nhân viên của mình làm việc tại nhà và giảm thời gian làm việc nếu họ buộc phải đến trụ sở.
Bích Liên/TTXVN
Tags