Hà Nội ưu tiên hàng đầu cho phát triển văn hóa

Thứ Ba, 06/08/2013 23:40 GMT+7

Google News

Chiều 6/8, tại buổi làm việc giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Với vai trò là trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước, thành phố luôn ưu tiên hàng đầu cho phát triển văn hóa, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm của toàn xã hội và chính quyền các địa phương.

Không chỉ Hà Nội, mà bất cứ nơi nào trên thế giới cũng phải quan tâm tới văn hóa, bởi bản sắc văn hóa là vốn quý, là nền tảng tinh thần xã hội. Văn hóa cũng là nền tảng phát triển kinh tế bền vững và ngược lại khi kinh tế phát triển sẽ đầu tư tốt cho văn hóa phát triển.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong thời gian qua. Bộ trưởng đề nghị thành phố Hà Nội xử lý kịp thời những "điểm nóng" trong quản lý di sản, thực hiện đúng Luật Quảng cáo trong quản lý loại hình này và quan tâm hơn nữa công tác quản lý hoạt động lễ hội. Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Hà Nội kiểm tra phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa để có những cơ chế, chính sách hợp lý nhằm đưa phong trào hoạt động hiệu quả hơn.


Ông Phạm Quang Nghị , Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Thời gian qua, nhất là 7 tháng năm 2013, công tác quản lý văn hóa của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Các lễ hội tổ chức gọn nhẹ, không kéo dài, có sự kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Việc cưới, việc tang theo nếp sống mới được tổ chức văn minh, tiết kiệm, trang trọng, nhận được sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào xây dựng "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh" đang lấy ý kiến thảo luận của quần chúng nhân dân trong xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư với 26/29 quận, huyện, thị xã có trung tâm văn hóa, nhà văn hóa; 112/577 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 2.914/12.048 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa.

Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Thủ đô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng thành phố Hà Nội thực hiện tốt, cả số lượng di tích và nguồn vốn đầu tư. Riêng 7 tháng qua, Hà Nội đã xếp hạng 30 di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, lập hồ sơ 5/8 điểm trong danh sách xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, tổ chức đoàn thám sát khai quật khảo cổ và thực hiện phương án bảo tồn di tích đàn Xã Tắc, khai quật khảo cổ học tại nút giao thông Đào Tấn và tuyến đê Bưởi. Hà Nội cũng là địa phương thực hiện tốt về quản lý quảng cáo biển hiệu...

Đinh Thị Thuận - TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›