Phức tạp thị trường mùa cận Tết
Dịp cuối năm, hàng nhập lậu, hàng hóa không có chứng từ hóa đơn, hàng quá đát, hàng giả, hàng nhái xuất hiện rất nhiều trên thị trường, chủ yếu như: mỹ phẩm, thuốc lá, dược phẩm, rượu ngoại… Từ cuối tháng 11/2008 đến nay, các đội quản lí thị trường trên địa bàn TP.HCM đã tiến hành kiểm tra 219 trường hợp, trong đó phát hiện vi phạm 106 vụ, thu nộp ngân sách hơn 900 triệu đồng và số hàng hóa được tiêu hủy trị giá hơn 50 triệu đồng.
Tính từ ngày 1/12 cho đến nay, việc buôn lậu thuốc lá tăng nhanh đột biến so với những ngày cuối tháng 11/2008. Các đội quản lí thị trường đã tiến hành thu giữ 13.358 bao thuốc lá các loại trong đó chủ yếu là thuốc Jet và Hero. Nguồn cung ứng thuốc lá lậu chủ yếu được đưa về từ nhiều nơi, nhưng tập trung nhất là biên giới Tây Nam.
Bên cạnh đó, đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại đang giả tăng rất mạnh. Tình hình buôn lậu tập trung ở một số tuyến đường “truyền thống” như hàng Trung Quốc theo hướng Bắc – Nam, hàng Campuchia từ biên giới Tây Nam và cửa khẩu Lao Bảo ở miền Trung vào TP.HCM theo đường bộ. Chúng đánh vào những khe hở của chính sách như miễn kiểm hóa Hải quan đối với một số mặt hàng có thuế suất 0% và doanh nghiệp nhập khẩu từ một năm trở lên không vi phạm Luật Hải quan, không nợ thuế nhập khẩu… để tiến hành buôn lậu.
Những hiểm họa khó lường
Ông Bá Thành, Đội trưởng đội Quản lí thị trường 4A cho biết những mặt hàng như rượu, nước giải khát, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm… giả mạo, kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Phương thức hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, thường sử dụng các địa điểm ở những vùng ven, ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, Tân Phú… để sản xuất. Đặc biệt đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm nhằm qua mặt các lực lượng chức năng. Đa số đối tượng sản xuất hàng giả hàng nhái tổ chức sản xuất với qui mô nhỏ, hàng sản xuất đến đâu là tiến hành chia nhỏ tiêu thụ đến đó, không tập trung vào kho. Đây là mối nguy hại cho người tiêu dùng khi mua nhầm những loại sản phẩm này.
Xảy ra gần đây nhất là vụ vi phạm của Cty dược Phước Lộc (đường Đặng Tất – Q.1) do bà P.T.N làm đại diện. Lúc 9h45 ngày 9/12, đội quản lí thị trường 1B và CA phường Tân Định đã phát hiện Cty dược này đang bày bán 910 đơn vị dược phẩm ngoại nhập không có chứng từ hóa đơn và đã tiến hành thu giữ toàn bộ.
Mỹ phẩm quá đát, không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện đang được bày bán tràn lan trên các thị trường. Thống kê từ ngày 26/11 đến nay, các đội quản lí thị trường đã phát hiện và thu giữ 7.347 thùng mĩ phẩm đã hết hạn sử dụng, 3.862 hộp mĩ phẩm các loại không xuất trình được chứng từ hóa đơn.
Đặc biệt nghiêm trọng, ngày 02/12 đội quản lí thị trường 4A kết hợp với công an xã Bà Điểm, Hóc Môn kiểm tra doanh nghiệp tư nhân Hàn Việt (đường Phan Văn Hớn, ấp Trung Lân, xã Bà Điểm) do ông T.V.M làm chủ đã phát hiện tại đây đang sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm ngoại nhập gồm kem dưỡng da các loại, kem trị nám, kem dưỡng trắng da các hiệu Guoyao, Laysmon, Lulanzina, Shiseido monst… không có giấy phép lưu hành, không có giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu hàng hóa và không có hóa đơn chứng từ. Đội quản lí thị trường đã lập biên bản tạm giữ 1.457 hộp kem dưỡng da các loại, 175 hộp kem trắng da, 3 kí nguyên liệu dùng làm kem dưỡng da, 10 kg kem phế phẩm, 16 kg vỏ hộp mĩ phẩm để xử lí.
Cục quản lí thị trường và Hội bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, quá đát, người tiêu dùng phải kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng được in trên bao bì. Thực tế, những sản phẩm hết hạn sử dụng để tiêu thụ được, người bán thường đóng thành những gói quà “bắt mắt” để đánh lừa người mua. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm, nhất là thực phẩm đóng gói, đóng hộp từ các nhà sản xuất có uy tín. Tình hình vệ sinh an tòan thực phẩm cũng đang diễn biến phức tạp, các cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng tràn lan các hóa chất phụ gia bảo quản không thuộc danh mục cho phép của Bộ Y tế. Thậm chí, có nhiều loại hóa chất chỉ được dùng cho sản xuất công nghiệp như bột tẩy trắng, tẩy mùi, chất tăng độ dai giòn, bột màu… gây nguy hại cho cơ thể cũng được đưa vào sử dụng trong chế biến thực phẩm!
Khó kiểm soát giá cả
Hiện nay, mặc dù giá xăng dầu, nguyên liệu, dịch vụ khác đã giảm rất nhiều, nhưng các mặt hàng nhu yếu phẩm không giảm, và đang có xu hương tăng trở lại. Đầu tháng 12, Bộ Tài chính đã ra chỉ thị số 03/2008/CT-BTC nhằm bình ổn thị trường giá cả dịp cận Tết Nguyên đán Kỷ Sửu. Tại TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,69% so với tháng 10, giảm mạnh nhất là lương thực – 8,67%. Giá cả các mặt hàng tại các chợ vẫn khá cao và không ổn định. Trong tháng 11, giá gạo, thịt heo, thực phẩm, vật liệu xây dựng có giảm nhưng không đáng kể và đang tăng trở lại trong 2 tuần đầu tháng 12.
Giá cả các mặt hàng trong 11 tháng đầu năm nay liên tục biến động, diễn biến khá phức tạp, chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Ở Việt Nam đang tồn tại một thực tế, đó là khi giá đầu vào tăng thì các doanh nghiệp đồng loạt tăng giá, nhưng khi chi phí đầu vào giảm thì các doanh nghiệp giảm rất “nhỏ giọt”. Lí do mà các doanh nghiêp đưa ra là, dù giá nguyên liệu giảm, nhưng do nhập hàng từ trước giá vẫn cao, chưa giảm được. Tuy nhiên, đặt trường hợp ngược lại, lúc giá nguyên liệu mới tăng, chưa ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, tại sao các doanh nghiệp lại tăng giá ngay lập tức? Phải chăng các doanh nghiệp đang chống chế, ngụy biện cho việc không giảm giá của mình?