Hàng loạt nữ quân nhân Mỹ bị tấn công tình dục

Thứ Bảy, 10/04/2010 10:55 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Theo một bản báo cáo mới được một đội điều tra của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi đầu tháng này, hơn 25% nữ quân nhân Mỹ đang phục vụ tại các chiến trường Iraq và Afghanistan đã bị các nam đồng đội của họ cưỡng hiếp. Tuy nhiên vấn đề gây quan tâm nhiều hơn là quân đội không những không ngăn chặn được tình trạng này mà còn có dấu hiệu “tiếp tay” khi xử lý rất nhẹ những kẻ phạm tội.

Nỗi đau thầm kín

Bản báo cáo được công bố vào cuối tháng 3 vừa qua cho thấy một sự thật khô khốc, tàn nhẫn: Năm 2009, số vụ tấn công tình dục trong quân đội tăng thêm 11% so với năm 2008. Ở các khu vực có chiến sự như Iraq, Afghanistan, tỉ lệ này vọt lên thêm 16% so với năm trước. Nạn nhân của các vụ tấn công tình dục này đều là nữ quân nhân. Năm nay, con số nữ quân nhân Mỹ bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục bởi các nam cộng sự hoặc cấp trên ở Iraq và Afghanistan đã tăng lên 25%. Tổng cộng đã có 3.700 nữ quân nhân bị tấn công trong năm 2009. Con số này gần bằng 1/3 tổng số nữ cựu chiến binh Mỹ trở về từ hai chiến trường kể trên.


Jennifer Machmer, một trong số những nữ quân nhân Mỹ bị hiếp
 dâm nhưng đã đấu tranh để đưa bi kịch của cô ra tận Quốc hội
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng điều tra về nạn xâm hại tình dục. Hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ này cũng công bố một bản báo cáo tương tự. Trong vòng gần một năm rưỡi, Lực lượng điều tra đặc biệt phản ứng và ngăn chặn tấn công tình dục của Bộ Quốc phòng đã thực hiện hơn 3.500 cuộc phỏng vấn các quân nhân. Họ thấy rằng 30% nữ quân nhân Mỹ đã bị cưỡng hiếp trong quá trình phục vụ tại Iraq, 71% bị tấn công tình dục và 90% bị xâm hại tình dục. Bộ Quốc phòng đã thừa nhận vấn nạn hiếp dâm và ước tính trong báo cáo thường niên hồi năm 2009 về tấn công tình dục rằng khoảng 90% các vụ hiếp dâm trong quân đội không được báo cáo.

Yêu râu xanh khoác áo lính

Có một thực tế nực cười là khi các nữ quân nhân Mỹ ghi danh đi lính, họ không được thông báo về việc sẽ phải chiến đấu trên hai mặt trận. Một mặt trận ở trên chiến trường, đối diện với kẻ địch. Mặt trận còn lại nằm trong các doanh trại, chống lại những nam đồng đội.

Nạn hiếp dâm trong quân đội đã được tác giả Helen Benedict đề cập tới trong cuốn sách gây chú ý của bà mang tên The Lonely Soldier: The Private War of Women Serving in Iraq (tạm dịch Người lính cô đơn: Cuộc chiến riêng của những phụ nữ phục vụ tại Iraq). Benedict kể với đài BBC rằng trong quá trình viết sách, bà đã gặp nhiều nữ quân nhân Mỹ và nghe nhiều câu chuyện kinh hoàng từ phía họ. Có người như hạ sĩ Chantelle Henneberry kể rằng cô đã bị một viên sĩ quan chỉ huy lạm dụng tình dục. Khi báo cáo vụ việc với lãnh đạo trong quân đội, cô không được bênh vực và còn bị thuyên chuyển công tác sang một trại lính khác, đông đàn ông hơn, như một hình thức trừng phạt.


Những bóng hồng hiếm hoi trong thành phần quân đội chiến đấu Mỹ ở Iraq
Hạ sĩ Mickiela Montoya thậm chí còn bị một “chiến hữu” đùa cợt về khả năng anh ta sẽ hiếp dâm cô và anh ta có thể làm chuyện đó mà không ai can thiệp. Montoya kể rằng sau sự kiện này, mỗi lần đi đâu cô đều thủ theo một con dao để phòng thân. Nhưng sự cảnh giác không phải lúc nào cũng bảo vệ được các cô gái. Hồi năm 2005, dư luận xôn xao trước việc quân nhân Jamie Leigh Jones bị 7 đồng đội cưỡng hiếp tập thể. Các vết thương của cô rất nghiêm trọng, với nhiều vết rách ở vùng kín, hậu môn, ngực, chấn thương cơ ngực. Tuy nhiên khi Jones báo cáo về vụ việc, không ai đứng về phía cô.

Những tiếng kêu cứu rơi vào vô vọng đã khiến nhiều nạn nhân xâm hại tình dục bị sốc nặng. Khi mọi chuyện vượt quá sức chịu đựng, không ít người đã tìm tới những giải pháp tiêu cực. Tháng 3/2008, Tina Priest, 21 tuổi, đã tự sát bằng khẩu M-16 của cô, chỉ hai tuần sau khi đệ đơn cáo buộc một đồng đội hiếp dâm mình. Tháng 2/2009, Jessica Rich, 24 tuổi, đã đâm thẳng chiếc Volkswagen Jetta của cô vào một xe đi ngược chiều ở Denver và thiệt mạng. Được biết Rich đã bị cưỡng hiếp khi tham chiến ở Iraq hồi năm 2003.

Một căn bệnh có “truyền thống”

Được biết hiếp dâm không phải là hiện tượng mới lạ trong quân đội Mỹ. Hồi năm 2003, một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí American Journal of Industrial Medicine cho thấy 30% nữ quân nhân hoạt động trong giai đoạn từ Chiến tranh Việt Nam tới cuộc chiến Vùng Vịnh đã bị hiếp dâm. Trước đó, một nghiên cứu hồi năm 1995 nhằm vào cộng đồng cựu chiến binh Vùng Vịnh cho thấy 90% nữ quân nhân tham chiến đã bị xâm hại tình dục.

Ngày nay Mỹ có 200.000 phụ nữ đang hoạt động trong quân đội. Số liệu mới nhất của Bộ Quốc phòng cho thấy trong năm 2009, có 3.230 quân nhân Mỹ với 85% là nữ giới, báo cáo về việc họ bị tấn công tình dục. Con số này khiến các chuyên gia cũng bị sốc. “Chỉ một vụ tấn công tình dục cũng đã là quá nhiều rồi” - Kaye Whitley, giám đốc Phòng phản ứng và ngăn chặn nạn tấn công tình dục thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá.

Điều đáng quan tâm là Bộ Quốc phòng Mỹ không đạt được nhiều tiến triển trong hoạt động ngăn chặn nạn hiếp dâm, thể hiện qua việc năm sau con số vụ hiếp dâm trong các doanh trại lại tăng cao hơn so với năm trước. Tệ hơn, có dấu hiệu cho thấy quân đội đang dung túng cho những kẻ vi phạm. Được biết trong số 3.038 cuộc điều tra liên quan tới các cáo buộc tấn công tình dục diễn ra trong khoảng thời gian từ 2004 – 2005, chỉ có 329 kẻ vi phạm phải ra tòa án binh. Hơn một nửa trong số này đã được xử trắng án do thiếu chứng cứ trong khi số vi phạm chỉ phải chịu những hình phạt hết sức nhẹ nhàng.

Tường Linh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›