Hành quyết nhà khảo cổ hàng đầu Syria: IS tuyên chiến với lịch sử

Thứ Hai, 24/08/2015 05:24 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Khi nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nắm quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra của Syria hồi tháng 5, người ta từng lo ngại chúng sẽ đẩy nhiều cổ vật giá trị nơi đây ra các chợ đen.

1. Tuy nhiên, kế hoạch của chúng bất thành, một phần bởi vấp phải sự kháng cự của Khaled al-Asaad (82 tuổi). Ông là một trong những nhà khảo cổ nổi tiếng nhất Syria từng sống tại Palmyra, đã nỗ lực và quyết tâm bảo vệ bằng được nhiều di sản văn hóa thoát khỏi tay chúng.

Khi IS tới chiếm đóng ở Palmyra, dù gặp nhiều rủi ro và nguy hiểm song Al-Asaad vẫn một mực ở lại thành phố quê hương. “Tôi sinh ra ở Palmyra, sống ở đây nên nhất quyết không rời khỏi thành phố này” - Al-Asaad từng quả quyết.

Cách đây hơn 1 tháng, IS đã truy vấn Al-Asaad nhằm biết được ông có cất giấu các di sản có giá trị không và quan trọng hơn là giấu chúng ở đâu. Tuy nhiên, hôm 18/8, chúng đã chặt đầu ông trước sự chứng kiến của nhiều người sau khi ông không chịu tiết lộ địa điểm cất giấu những kho báu cổ vật của Palmyra. Sau đó, chúng treo đầu ông lên một cái cột ở trung tâm thành phố Palmyra.


Sân khấu đài vòng cổ ở Palmyra, nơi IS từng tiến hành cuộc hành quyết 20 lính Syria

Vụ hành quyết ông Al-Asaad của IS đã gây sự quan tâm lớn của cộng động quốc tế. Ông Maamoun Abdulkarim, Giám đốc phòng Bảo tàng và Di tích Syria, miêu tả Al-Asaad  “là một trong những người tiên phong quan trọng nhất của nền khảo cổ Syria thế kỷ 20”. Trong khi UNESCO coi việc sát hại giáo sư Al-Asaad là “một hành động khủng khiếp” của những kẻ cực đoan.

“Chúng giết ông vì ông đã không phản bội lại Palmyra" - bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO, tuyên bố. “Thành tựu của ông sẽ sống dài lâu, vượt xa những gì mà quân khủng bố có thể đạt được. Chúng có thể giết chết một người đàn ông vĩ đại nhưng không thể khiến lịch sử im lặng”.

Kênh truyền hình A Rập Al Jazeera nêu rằng, thật bất thường khi IS không phát video vụ chặt đầu ông Al-Asaad lên mạng, hành động mà chúng vẫn thường làm. Theo James Denselow, nhà bình luận của Al Jazeera, hành động tội ác này nhằm vào người dân địa phương hơn là cộng đồng quốc tế.

Denselow còn cho rằng, IS đang tiếp tục hành động phá hủy văn hóa của mình và ông coi đây là “cuộc chiến tranh với lịch sử” bởi chúng đã có những hành động tương tự ở Iraq, phá hủy nhiều di chỉ cổ, như Nineveh và Khorsabad.


Nhà khảo cổ Syria nổi tiếng Khaled al-Asaad trước khi bị IS hành quyết

2. Nhóm phiến quân Hồi giáo IS không chỉ nhằm các cuộc tấn công của chúng vào các di chỉ văn hóa, mà còn với những người góp phần bảo tồn các di sản này, như giới sử gia và khảo cổ.

Công việc của họ không chỉ là bảo tồn di sản văn hóa cổ đại, mà còn giới thiệu chúng tới lượng công chúng lớn hơn, nâng cao nhận thức của người dân tới quá khứ đa văn hóa của khu vực. Theo Al Jazeera, đó chính là lý do khiến Al-Assad bị IS hành quyết.

Tuy nhiên, ở đây còn nguyên nhân nữa khiến ông Al-Assad phải chết dưới bàn tay của IS. Trong hơn 40 năm qua, Al-Assad đã nghiên cứu nhiều di chỉ cổ ở Palmyra, xuất bản nhiều cuốn sách về các di chỉ và góp phần đưa thành phố này vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.

Thêm nữa, ông còn có quan hệ rất tốt với quốc tế và nằm trong cộng đồng khoa học toàn cầu. Với những yếu tố đó, Al-Assad được xem là hiện thân của trí thức hàn lâm, tương phản hẳn với những kẻ Hồi giáo quá khích gia nhập IS. Chặt đầu ông tức là nhóm phiến quân IS đang tuyên chiến với giới chuyên gia về văn hóa cổ.

Cũng có giải thích rằng, IS hành động như vậy bởi chúng đang ngày càng mất dần sự tự kiểm soát. Tình trạng này từng biểu hiện trong video mà chúng phát hành hồi đầu tháng 7, trong đó ghi hình ảnh chúng đã hành hình công khai 20 người lính Syria ở sân khấu đài vòng cổ ở Palmyra, nơi cách đây không lâu vẫn diễn ra các vở opera kinh điển.

Giới quan sát lo ngại, Palmyra khó có thể đứng vững trước sức tàn phá của IS. Chúng tấn công bất cứ ai có suy nghĩ khác mình và phá hủy bất cứ thứ gì mà chúng thấy không phù hợp với cách hiểu biết của chúng về đạo Hồi.

Tuấn Vĩ (Theo DW)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›