(TT&VH) - Ngày 21/2, ông Trương Kỉnh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển (KBTB) vịnh Nha Trang cho biết: tuy chất lượng nước biển hiện nay tại vịnh Nha Trang chưa đến mức báo động, nhưng đã xuất hiện nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, đe dọa đến đa dạng sinh học ở vịnh Nha Trang.
Kết quả trên được đưa ra trên cơ sở khảo sát, phân tích, tổng hợp một cách khoa học ở 13 điểm cố định trong vịnh Nha Trang, vào 2 mùa (mùa khô vào tháng 4, mùa mưa vào tháng 11) trong năm 2010.
Việc khảo sát chất lượng nước ở vịnh Nha Trang được Ban Quản lý KBTB vịnh Nha Trang phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện với môi trường nước, môi trường trầm tích và thực vật phù du. Số liệu thu được cho thấy nồng độ Hydrocarbon và sắt trong nước biển cao hơn giá trị giới hạn (theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ). Tình trạng nhiễm bẩn vi sinh khá phổ biến, đặc biệt ở khu vực cửa sông Cái. Ảnh hưởng vật chất từ sông Cái bao trùm khắp vịnh Nha Trang, làm tăng cao nồng độ muối dinh dưỡng, sắt, vi sinh vật... Đặc biệt trạm “nền”, ở phía bắc vịnh Nha Trang được coi là sạch nay cũng đã bị nhiễm vi khuẩn. Những nguy cơ trên có thể làm tăng hàm lượng chất dinh dưỡng trong nước, tạo điều kiện cho một số loài vi khuẩn, tảo gây hại phát triển. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các rặng san hô, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang.
Ông Trương Kỉnh cho rằng, công tác kiểm tra, khảo sát chất lượng nước biển vịnh Nha Trang là rất quan trọng, việc này cần được làm thường xuyên, liên tục (lần kiểm tra gần đây nhất từ năm 2007, trước đó là năm 2005). Từ đó có thể theo dõi thông số môi trường và điều chỉnh công tác quản lý, bảo tồn vịnh biển Nha Trang. Ngoài việc tuyên truyền, tăng cường cơ sở vật chất, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc rà soát, kiểm tra, đặc biệt là xử phạt các trường hợp gây ô nhiễm môi trường biển của vịnh.Quang Đức