(Thethaovanhoa.vn) - Theo yêu cầu của Anh, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã nhất trí tiến hành phiên họp khẩn vào ngày 2/3 về cuộc khủng hoảng tại khu vực Đông Ghouta - ngoại ô thủ đô Damascus, thuộc quyền kiểm soát của quân nổi dậy đang bị bao vây ở Syria.
Người phát ngôn của hội đồng trên, Rolando Gomez cho biết cuộc họp khẩn về một nghị quyết do Anh đề xuất dự kiến bắt đầu lúc 15h (giờ địa phương), tức 21h (giờ Hà Nội) ngày 2/3.
Dự thảo nghị quyết của Anh kêu gọi hoạt động tiếp cận nhân đạo ngay lập tức tới Đông Ghouta, nơi một lệnh ngừng bắn nhân đạo do Nga đề xuất đã không tạo ra sự đột phá nào. Dự thảo này cũng kêu gọi các điều tra viên tội ác chiến tranh thuộc Ủy ban Điều tra LHQ về Syria tiến hành cuộc điều tra tại khu vực này. Ngoài ra, dự thảo cũng kêu gọi thực thi hoàn toàn nghị quyết được Hội đồng bảo an LHQ thông qua hồi cuối tuần trước, theo đó yêu cầu một lệnh ngừng bắn trong vòng 30 ngày trên toàn lãnh thổ Syria mà cho đến nay, vẫn chưa có hiệu lực.
Trong một diễn biến liên quan, trong cuộc điện đàm ngày 2/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí cho rằng nghị quyết của HĐBA LHQ kêu gọi một lệnh ngừng bắn trong vòng 30 ngày tại Syria cần phải được thực thi ngay lập tức. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Thủ tướng Đức, Steffen Seibert cho biết hai nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng chính quyền Syria và các đồng minh là Nga và Iran cần thực thi nhanh chóng và đầy đủ nghị quyết 2401 (năm 2018) của HĐBA LHQ, yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Syria.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm ngày 2/3 đều kêu gọi Nga gây "áp lực tối đa" với Syria về việc tuân thủ nghị quyết ngừng bắn của HĐBA LHQ, đồng thời cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại quốc gia Trung Đông này. Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ "không khoan nhượng" trong trường hợp phát hiện sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.
Cho đến nay, Mỹ và các nước phương Tây vẫn cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học ở miền Đông Ghouta. Mỹ cho rằng kể từ đầu tháng 1/2018 đến nay, đã xảy ra ít nhất 6 vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học clo tại khu vực do phiến quân chiếm đóng, khiến hàng chục người bị thương. Chính phủ Syria luôn bác bỏ mọi cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng chống chính phủ. Ngược lại, Chính phủ Syria và Nga cho biết phiến quân mới là lực lượng sử dụng vũ khí hóa học tại Đông Ghouta.
TTXVN/Báo Tin tức
Tags