Theo người đứng đầu Trung tâm Dữ liệu Thông tin BNPB Sutopo Purwo, thiên tai xảy ra trên phạm vi cả nước, trong đó phổ biến nhất là lũ, lụt do Indonesia đang trong đỉnh điểm của mùa mưa. Nơi có nhiều người phải đi sơ tán nhất là tỉnh Bắc Sulawesi và số tiền cần thiết để phục hồi và tái thiết sau thiên tai ước lên tới 2.000 tỷ rupiah.
Riêng tại thủ đô Jakarta, mặc dù nỗ lực của chính quyền thành phố đã giúp cải thiện được tình trạng úng ngập so với năm trước, song mưa kéo dài nhiều ngày vẫn khiến nhiều nơi bị ngập nước, gây ách tắc giao thông, gần 31.000 người phải đến sống tại 140 trại tị nạn khẩn cấp và 7 người thiệt mạng vì điện giật hay chết đuối.
Một thảm họa thiên tai lớn khác là núi lửa Sinabung ở huyện Karo, tỉnh Bắc Sumatra, phun trào khiến gần 9.400 hộ gia đình sống ở các làng xung quanh trong vòng bán kính 5 km phải đi sơ tán, 15 người chết, và khả năng đây chưa phải là con số nạn nhân cuối cùng vì vẫn còn nhiều người mất tích chưa tìm thấy thi thể. Cũng theo BNPB, hiện có tới 19 trong số 127 núi lửa ở Indonesia gia tăng hoạt động và đã được nâng lên mức báo động cấp II - chưa ở mức nguy hiểm song phần nào đã ảnh hưởng đến các hoạt động liên quan đến đời sống, kinh tế, nhất là du lịch tại các khu vực này. Ngoài ra có 3 núi lửa đã được nâng lên mức báo động cấp III và duy nhất có núi lửa Sinabung đang phun trào có mức báo động cấp IV.
Trong khi đó, lũ quét ở Manado, tỉnh Bắc Sulawesi khiến 19 người chết và tới 40.000 người dân phải đi sơ tán; Lở đất ở Jombang, tỉnh Đông Java làm 12 người thiệt mạng.
TTXVN