(Thethaovanhoa.vn) - Đối với các nước mà kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa, khi đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc rớt xuống mức này, đây thực sự là nỗi lo ngại rất lớn.
Truyền thông bằng tiếng Hoa cho biết từ tháng 5/2016 trở lại đây, đồng NDT liên tục mất giá với việc thiết lập nhiều đáy mới.
Ảnh minh họa: VCG
Điều bất ngờ là cùng với việc đồng NDT rớt giá, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu trong, ngoài Trung Quốc vẫn không giảm mạnh như trước đây, ngược lại còn tăng trưởng mạnh, kể cả khi chịu thêm tác động từ sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu ÂU (EU).
Bất ngờ hơn, dự trữ ngoại tệ tháng 6 của Trung Quốc đã đảo chiều, quay lại tăng thêm 13,426 tỷ USD, lên 3.205,1 tỷ USD (tương đương 80% so với mức đỉnh 4.000 tỷ USD đạt được hồi tháng 6/2014), là mức tăng mạnh nhất trong một tháng kể từ tháng 4/2015.
Từ những cơ sở nêu trên, theo tờ Đa chiều, có thể phán đoán chỉ cần số liệu cho thấy không có dấu hiệu dòng tiền chảy mạnh ra ngoài Trung Quốc, việc điều tiết tỷ giá của đồng NDT có thể dự trên việc tham khảo rổ tiền tệ và tỷ giá đóng cửa.
Đồng thời, chỉ cần tỷ giá giao ngay của đồng NDT không biến động quá lớn so với tỷ giá tham chiếu thì Bắc Kinh có thể để cho thị trường tự điều tiết.
Điều đó có nghĩa, đồng NDT sẽ tiếp tục phá giá. Theo dự đoán của tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản), cuối năm nay tỷ giá giữa đồng NDT và đồng USD đạt 6,94 NDT/USD và trong kịch bản cấp tiến của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) đưa ra vào hôm 4/7 là 7,2 NDT/USD.
Đối với Trung Quốc, việc đồng NDT mất giá sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nhưng vô hình dung sẽ khiến các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu cũng sẽ đi vào con đường phá giá đồng tiền của mình để cạnh tranh và một cuộc chiến tranh tiền tệ lại trực chờ.
Theo Hoàng Hà - Tin tức
Tags