(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/1, Kính viễn vọng không gian Spitzer của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chính thức hoàn tất sứ mệnh sau hơn 16 năm nghiên cứu vũ trụ bằng ánh sáng hồng ngoại, giúp hé lộ nhiều phát hiện mới trong hệ Mặt Trời, thiên hà và xa hơn thế.
Theo Phòng thí nghiệm chuyển động phản lực của NASA, các kỹ sư xác nhận rằng kính viễn vọng Spitzer đã được đưa về trạng thái an toàn, ngừng mọi hoạt động khoa học. Giới chức NASA cho biết Spitzer đã giúp cho các nhà khoa học biết thêm những khía cạnh mới của vũ trụ và đưa con người tới gần hơn tới việc nắm được cách thức vũ trụ vận hành, giải đáp những thắc mắc về nguồn gốc của loài người, cũng như liệu chúng ta có phải là duy nhất trong vũ trụ.
Kính thiên văn này cũng giúp trả lời một số câu hỏi mới và quan trọng, đồng thời đưa ra các vấn đề cần nghiên cứu sâu thêm, vạch ra hướng đi cho nghiên cứu trong tương lai. Những ảnh hưởng to lớn với khoa học này sẽ còn kéo dài dù sứ mệnh của Spitzer đã hoàn thành.
Sau hơn 16 năm quan sát vũ trụ, ngày 30/1/2020, kính viễn vọng không gian Spitzer đã kết thúc sứ mạng của mình
- Kính viễn vọng khổng lồ của Trung Quốc thu được tín hiệu bí ẩn trong vũ trụ
- Kính viễn vọng của NASA phát hiện thiên hà mới
- Nga tìm cách khôi phục kết nối với kính viễn vọng không gian khổng lồ
Thành công lớn nhất của Spitzer phải kể đến việc phát hiện ra 7 hành tinh có kích cỡ bằng Trái Đất cùng quay một ngôi sao trong hệ hành tinh TRAPPIST-1, cũng như xác định khối lượng và khối lượng riêng của chúng. Khám phá này được xem là mảnh ghép quan trọng trong việc tìm kiếm các môi trường hỗ trợ sự sống và những nơi thuận lợi để sự sống phát triển.
Spitzer đã được phóng vào quỹ đạo năm 2003. Đây là một trong 4 đài quan sát khổng lồ của NASA, cùng với Kính thiên văn Hubble Space, Đài quan sát Chandra X-ray Observatory và Compton Gamma Ray. Chương trình này đã chứng minh hiệu quả của việc sử dụng nhiều bước sóng ánh sáng để tạo ra bức tranh toàn cảnh về vũ trụ.
Đặng Ánh - TTXVN
Tags