(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam và Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1975-15/9/2015) và 55 năm Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2015).
Tới dự có các đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phía Nam; cùng hơn 400 cán bộ hưu trí, phóng viên, công nhân viên Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam.
Tại lễ kỷ niệm, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã ôn lại chặng đường xây dựng, trưởng thành, phát triển của Thông tấn xã Việt Nam trong 70 năm qua, trong đó có đóng góp quan trọng của Thông tấn xã Giải phóng.
Cách đây 55 năm, vào 19 giờ ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), “Tiếng nói chính thức của những người yêu nước miền Nam Việt Nam” đã bắt đầu phát lên trên sóng điện 31 mét bằng một chiếc máy phát sóng 15 Wat, đánh dấu sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng với tên gọi “GPX” (Giải phóng xã) và “LPA” (Liberation Press Agency) bằng tiếng Anh.
Kể từ đó, trong 15 năm chống Mỹ ác liệt, những người làm báo – chiến sĩ của Thông tấn xã Giải phóng ở tiền phương cũng như ở hậu cứ và khắp miền Nam đã vượt lên biết bao gian khổ, hy sinh, với ý chí sắt đá và sự sáng tạo phi thường, luôn vững vàng trên mặt trận chính trị tư tưởng. Những chiến sĩ Thông tấn xã Giải phóng đã bám sát các sự kiện nóng hổi trên chiến trường để có những dòng tin, tấm ảnh chiến sự nóng bỏng và truyền thông tin nhanh chóng về hậu phương lớn, góp phần cổ vũ toàn quân, toàn dân, đập tan mọi âm mưu của kẻ thù, quyết chiến thắng quân xâm lược.
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định, giữa Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã có một sự gắn bó máu thịt, “tuy hai mà một”. Trong những năm tháng chiến tranh, Việt Nam Thông tấn xã đã hết lòng chi viện nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cho Thông tấn xã Giải phóng.
Ngày 12/5/1976, hai người anh em ruột thịt đã chính thức "về chung một nhà" dưới cái tên chung Thông tấn xã Việt Nam, cùng bước sang giai đoạn mới của đất nước. Từ đó đến nay, Thông tấn xã Việt Nam luôn luôn là tiếng nói chính thức của Đảng và Nhà nước, là dòng thông tin chủ lưu mang tính định hướng quan trọng. Trên nền tảng thông tin đa phương tiện, Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh chính xác, kịp thời toàn diện đời sống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của đất nước và các vấn đề thời sự quốc tế.
Tiếp bước những thế hệ đi trước, những người làm công tác thông tấn hôm nay và các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang để xứng đáng là cơ quan thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước, phấn đấu xây dựng Thông tấn xã Việt Nam thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện, Hãng thông tấn quốc gia mạnh trong khu vực và thế giới.
Phát huy truyền thống của ngành, 40 năm qua, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cán bộ, phóng viên, công nhân viên của Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam luôn đoàn kết, tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn một cách năng động, sáng tạo và đạt hiệu quả cao, theo đúng tin thần 16 chữ vàng "Cần cù, dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ" mà Trung ương Cục miền Nam đã tặng cho Thông tấn xã Giải phóng.
Đồng chí Nguyễn Tiến Lễ, Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam cho biết, Ban lãnh đạo cơ quan đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động các nguồn lực cho công tác thông tin - nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng thông tin của khu vực phía Nam luôn chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống thông tin nguồn của ngành.
Nhân dịp này, Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam đã tổ chức khánh thành Phòng truyền thống Thông tấn xã Việt Nam và khai mạc triển lãm ảnh của phóng viên 21 cơ quan thường trú khu vực phía Nam. Phòng truyền thống trưng bày hơn 200 hiện vật và hình ảnh gắn liền với lịch sử của Thông tấn xã Giải phóng và Thông tấn xã Việt Nam, đặc biệt tại khu vực phía Nam.
Được biết, quá trình thu thập hình ảnh và hiện vật diễn ra từ 4-5 tháng qua, đa phần các hiện vật quý báu này do các cá nhân, các gia đình có người làm trong ngành gìn giữ qua nhiều năm tháng, ủng hộ với cả tấm lòng cho Phòng truyền thống.
Nguyễn Thành Chung (TTXVN)
Tags