Liên minh CoVIg Plasma thử nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng huyết tương

Thứ Sáu, 09/10/2020 19:57 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Liên minh CoVIg Plasma - gồm các nhà sản xuất dược phẩm do công ty dược phẩm Takeda của Nhật Bản dẫn đầu - đã lần đầu tiên thử nghiệm lâm sàng điều trị bằng huyết tương cho bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nga bắt đầu tiêm vaccine Sputnik V mũi thứ 2 cho những người tham gia thử nghiệm lâm sàng

Nga bắt đầu tiêm vaccine Sputnik V mũi thứ 2 cho những người tham gia thử nghiệm lâm sàng

Thủ đô Moskva của LB Nga ngày 30/9 đã bắt đầu giai đoạn 2 tiêm phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong khuôn khổ hoạt động nghiên cứu vaccine Sputnik V của Nga.

Trong thông báo ngày 9/10, Takeda cho biết cuộc thử nghiệm gồm 3 giai đoạn và  CoVIg Plasma đặt mục tiêu điều trị bằng phương pháp này cho 500 bệnh nhân trưởng thành tại Mỹ, Mexico và 16 quốc gia khác. Các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Remdesivir của công ty dược phẩm Gilead kết hợp với phác đồ điều trị bằng huyết tương do công ty công nghệ sinh học CSL Behring, Takeda và hai công ty khác cung cấp.    

Giám đốc y tế Bill Mezzanotte tại CSL Behring cho biết Liên minh CoVIg Plasma hy vọng có thể thu được các số liệu sơ bộ từ cuộc thử nghiệm lâm sàng này trước cuối năm nay.  

Huyết tương của người bệnh
Huyết tương của người bệnh

Liên minh trên ban đầu dự định tiến hành thử nghiệm lâm sàng vào tháng 7/2020, nhưng kế hoạch đã bị hoãn lại do phải chờ phê duyệt theo quy định. Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) là nhà tài trợ cho cuộc thử nghiệm này. 

Hiện Liên minh CoVIg Plasma, trong đó có hai công ty của Đức là Biotest AG và Octapharma Plasma, cũng đang nghiên cứu liệu pháp huyết thanh miễn dịch (hyperimmune globulin) có nguồn gốc từ huyết tương. Liệu pháp này cung cấp một lượng kháng thể đã được chuẩn hóa và không giới hạn bất kỳ nhóm máu nào của bệnh nhân.

Cho tới nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo các bác sĩ thận trọng khi sử dụng huyết tương trong phác đồ điều trị vì hiện chưa có đủ bằng chứng chứng minh tính hiệu quả của phương pháp này.

Việc thử nghiệm và áp dụng các phương pháp điều trị hiện gặp nhiều khó khăn do khan hiếm huyết tương từ các bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh. Do đó, Liên minh CoVIg Plasma kêu gọi những trường hợp như vậy hiến tặng huyết tương của họ.

* Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Nga dự kiến đăng ký vaccine tiềm năng thứ hai ngừa COVID-19, mang tên EpiVacCorona, vào ngày 15/10 tới. 

Trong thông báo cùng ngày, Trung tâm Nghiên cứu virus học Vektor ở Siberia, Nga, cho biết vaccine EpiVacCorona do cơ sở khoa học này bào chế. Vaccine trên hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu trên người trong tháng 9 vừa qua. 

Theo Vektor, ở cả hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, EpiVacCorona đều cho thấy tính hiệu quả và an toàn trong phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Vaccine này được điều chế dựa trên peptit có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch. Nga dự định sản xuất lô vaccine EpiVacCorona đầu tiên gồm 10.000 liều, bắt đầu vào tháng 11 tới.

Trước đó, tháng 8 vừa qua, Nga đã tuyên bố phát triển thành công vaccine Sputnik V. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng cần thời gian dài để đánh giá hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine này.

Minh Tâm/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›