(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản phát hiện tàu ngầm hạt nhân tấn công của Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, các chuyên gia quân sự đánh giá rằng tàu ngầm Trung Quốc đã lộ nhược điểm dễ bị phát hiện.
- Nội các Thái Lan phê chuẩn đề xuất mua tàu ngầm Trung Quốc
- Tàu ngầm Trung Quốc đụng lưới siêu âm của tàu chiến Mỹ
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết tàu ngầm dài 110m của Hải quân Trung Quốc với quốc kỳ phấp phới đã nổi trên khu vực biển quốc tế vào ngày 12/1 sau khi bị Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản theo sát trong hai ngày. Tàu ngầm Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hại cách đảo Senkaku/Điếu Ngư 24 hải lý.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định các máy bay và tàu chống ngầm của lực lượng này đã theo sát tàu ngầm Trung Quốc từ ngày 10/1.
Một số ý kiến tin rằng tàu ngầm của Trung Quốc buộc phải nổi lên mặt nước nhưng một số người khác cẩn trọng hơn đánh giá cần thêm thông tin để có thể ủng hộ giải thiết này.
Một điều bất bình thường trong sự kiện này là các tàu hạt nhân thường có khả năng ở dưới nước trong nhiều tháng trời, do vậy việc tàu của Trung Quốc nổi lên mặt nước và bị phát hiện được đánh giá là hiếm gặp.
Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong tại Macau (Trung Quốc) cho rằng tàu ngầm hạt nhân tấn công của Trung Quốc đã buộc phải nổi lên mặt nước để phô trương lực lượng. Ông Wong Dong cho rằng việc quốc kỳ Trung Quốc được cắm trên tàu ngầm là minh chứng cho giả thiết này.
Nhưng nhà nghiên cứu Li Jie tại Viện Nghiên cứu Hải quân ở Bắc Kinh lại phân tích rằng tàu ngầm Trung Quốc nổi trên mặt nước để có thể liên lạc rõ hơn hoặc do có vấn đề về kỹ thuật.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên tại Bắc Kinh tiết lộ tàu ngầm Trung Quốc bị phía Nhật Bản phát hiện vì “quá ồn ào”.
Nhà bình luận quân sự Zhou Chenmingtại Bắc Kinh cho rằng vụ việc còn là bằng chứng cho thấy khả năng chống ngầm của Nhật Bản đã được nâng cao. Các công nghệ quân sự chống ngầm của Nhật Bản thường được hỗ trợ từ quân đội Mỹ.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân của Trung Quốc đã “nhập ngũ” từ năm 2006, thực hiện các nhiệm vụ trên Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Hai tàu ngầm lớp 093 (Shang) đã được đóng trong thập niên 2000 và hai chiếc khác được cải tiến hơn lớp 093A đã được phiên chế trong năm 2016.
Phía Nhật Bản chưa nêu rõ tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư thuộc lớp nào nhưng các chuyên gia đánh giá nó có thể là tàu ngầm lớp 093A. Loại tàu này được cho có trang bị hệ thống phóng thẳng đứng tên lửa hành trình YJ-18 và “yên lặng” hơn người tiền nhiệm lớp Han.
Theo Quốc hội Mỹ, Hải quân Trung Quốc dự định gia tăng hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân lên 6 chiếc. Và vào năm 2020, dự kiến tàu ngầm lớp 095 của Trung Quốc, được cho yên tĩnh hơn, sẽ ra mắt.
Hà Linh/Báo Tin tức
Tags