(TT&VH) - Tuần này, tin tức sáng lập viên mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg tới Việt Nam đã gây sự chú ý của cộng đồng mạng và có không ít người đã kêu gọi nên nhân cơ hội này để quảng bá hình ảnh đất nước với thế giới. Thực sự Zuckerberg hiện là một trong những nhân vật "tuổi trẻ tài cao", có sức ảnh hưởng lan tỏa, với mỗi bước chân của anh đi tới đâu cũng thường thu hút rất đông người theo dõi.
Trang tin Asia One dẫn lời Giám đốc Facebook Vietnam Huỳnh Kim Tước nói rằng Mark Zuckerberg tới thăm Hà Nội trong một chuyến đi mang tính riêng tư, để tận hưởng kỳ nghỉ Giáng sinh tại đây. Việc tỷ phú trẻ tuổi với khối tài sản trị giá 13,5 tỷ USD này chọn đích đến nghỉ ngơi ở Việt Nam quả thực là một sự kiện bất ngờ.
Thần đồng công nghệ thông tin
Mark Zuckerberg năm 1984 ở White Plains, New York, trong một gia đình Do Thái. Khi còn ở trường Trung học Ardsley, Zuckerberg đã tỏ ra rất giỏi trong học tập, trước khi chuyển sang trường tư Viện Phillips Exeter, nơi anh giành nghiều giải thưởng liên quan tới khoa học tự nhiên, toán, thiên văn và vật lý. Zuckerberg nói rằng anh có thể đọc và viết tiếng Pháp, Hebrew, Latin và Hy Lạp cổ đại ngoài ngôn ngữ thường xuyên sử dụng là tiếng Anh.
Zuckerberg bắt đầu sử dụng máy tính và viết phần mềm khi còn học trung học cơ sở. Cha anh dạy cho con trai chương trình lập trình Atari BASIC trong những năm 1990. Tiếp đó ông nhờ nhà phát triển phần mềm David Newman làm gia sư cho con trai. Newman đã gọi Zukeberg là một người "phi thường" và thừa nhận đã phải "rất khó khăn để vươn lên" trước Zukeberg.
Zukerberg thích phát triển các chương trình máy tính, nhất là trò chơi điện tử và các công cụ để giao tiếp, truyền thông. Một lần, Zukerberg đã tạo ra một phần mềm có tên ZuckNet để cho phép các máy tính trong nhà cậu và phòng khám răng của cha có thể liên lạc với nhau. Đây được xem là một phiên bản "nguyên thủy" của phần mềm Instant Messenger do công ty AOL phát minh, ra đời sau đó không lâu, mở đầu cho kỷ nguyên mới của các chương trình chat như Yahoo! Messenger.
Theo nhà văn Jose Antonio Vargas, "trong khi một số đứa trẻ say mê các trò chơi điện tử thì Mark đã tạo ra chúng". Bản thân Zuckerberg kể lại về thời kỳ này như sau: "Tôi có nhiều bạn bè giỏi nghệ thuật. Họ tới nhà tôi, vẽ vời đủ thứ và tôi dựa vào đó để làm trò chơi điện tử". Tuy nhiên, Zukerberg không phải là người chỉ thích vùi đầu vào máy tính mà còn hăng hái tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Anh từng trở thành đội trưởng đội đấu kiếm của trường tiểu học.
Sáng lập viên Công ty Napster Sean Parker, một người bạn thân của Zuckerberg nói rằng anh rất đam mê các truyện thần thoại Hy Lạp và những thứ liên quan, đồng thời cũng thích trích dẫn những câu thơ cổ khi sinh hoạt hoặc làm việc.
Dù còn rất trẻ, nhưng Mark Zuckerberg đã có một sự nghiệp cá nhân sáng chói
và hiện đang nằm trong nhóm các tỷ phú đô la trẻ nhất hành tinh
Từ Facemash tới Facebook
Trong thời gian học trung học, Zuckerberg làm việc cho một công ty mang tên Intelligent Media Group và tạo ra một chiếc máy nghe nhạc gọi là Synapse Media Player. Máy này được trang bị trí thông minh nhân tạo để nhận biết thói quen nghe nhạc của người dùng và phần mềm đã được tạp chí PC Magazine đánh giá rất cao. Nhận thấy tài năng của Zuckerberg, tập đoàn Microsoft và công ty AOL đã tìm cách mua lại Synapse, với hy vọng đưa anh về làm việc. Tuy nhiên tháng 9/2002, Zuckerberg đã quyết định theo học tại Harvard.
Vargas nói rằng vào thời điểm bắt đầu học tập ở Harvard, danh tiếng Zuckerberg đã nổi như cồn trong vai trò một thần đồng lập trình. Trong những năm đầu ở trường, Zuckerberg đã viết chương trình CourseMatch, vốn cho phép người dùng có thể đưa ra các quyết định lựa chọn lớp học dựa trên sự lựa chọn của những người khác. Trong một thời gian ngắn, anh còn tạo ra một chương trình khác mang tên Facemash, giúp các sinh viên có thể lựa ra ai là người trông ăn ảnh nhất trong rất nhiều tấm ảnh lưu niệm chụp trong khóa học.
Theo bạn cùng phòng của Zuckerberg khi đó là Arie Hasit, anh đã xây dựng trang web để giải trí. "Chúng tôi có những cuốn sách gọi là Face Books, với nội dung gồm tên và ảnh của mọi người sống trong ký túc xá. Đầu tiên anh ấy tạo một trang web và tải lên hai bức ảnh về hai bạn trai và hai bạn gái. Khách ghé qua trang web này phải chọn xem ai là người "nóng bỏng" hơn người kia và họ sẽ bỏ phiếu để xếp hạng bức ảnh" - Hasit kể.
Trang web được đưa lên vào cuối tuần. Nhưng tới thứ Hai, trường Havard đã đóng nó vì có quá nhiều người truy cập trang này làm quá tải máy chủ của trường, khiến sinh viên không thể truy cập được mạng Internet. Ngoài ra nhiều sinh viên nói rằng các bức ảnh của họ đã được sử dụng khi chưa được phép. Zuckerberg đã phải công khai xin lỗi về việc này.
Tuy đóng cửa nhưng Facemash đã đặt những nền móng vững chắc cho sự ra đời của mạng xã hội Facebook. Zuckerberg triển khai Facebook từ phòng ký túc của anh vào ngày 4/2/2004. Zuckeberg tạo lập mạng xã hội này lấy cảm hứng từ quãng thời gian học tại Viện Phillips Exeter. Ngôi trường này thường xuất bản một cuốn danh bạ có lưu lại thông tin của mọi học sinh. Cuốn danh bạ này được gọi thân mật là "The Facebook” và là một phần quan trọng của đời học sinh tại các trường tư như Phillips Exeter, giúp các thành viên gắn bó với nhau, dù đã tốt nghiệp.
Dự án Facebook ban đầu chỉ được Zuckerberg triển khai như "một thứ gì đó dành cho Harvard". Anh đã tuyển mộ bạn cùng phòng Dustin Moskovitz giúp đỡ và cùng nhau họ triển khai Facebook tại Đại học Stanford, Dartmouth, Columbia, New York, Cornell, Penn, Brown, Yale và gần như mọi trường có quan hệ xã hội với Harvard.
Sẽ quyên góp ít nhất nửa gia sản cho từ thiện
Sau đó Zuckerberg chuyển tới Palo Alto, California, cùng Moskovitz và một số người bạn. Họ thuê một căn nhà nhỏ làm văn phòng. Trong suốt mùa Hè, Zuckerberg đã gặp gỡ Peter Thiel, người quyết định đầu tư vào công ty. Họ thành lập văn phòng đầu tiên vào giữa năm 2004. Theo Zuckerberg, nhóm từng có ý định trở lại Harvard, nhưng cuối cùng vẫn ở lại California. Họ đã từ chối đề nghị mua lại Facebook từ nhiều công ty lớn. Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2007, Zuckerberg đã giải thích: "Vấn đề không phải là tiền. Với tôi và các bạn, điều quan trọng là chúng tôi có thể tạo ra một dòng chảy thông tin cho mọi người. Việc để cho các tập đoàn truyền thông nằm dưới sự sở hữu của nhiều tập đoàn lớn không phải là ý kiến hấp dẫn với tôi".
Dưới sự dẫn dắt của Zuckerberg, Facebook tăng trưởng rất đều đặn. Ngày 21/7/2010, Zuckerberg thông báo công ty lần đầu có tới 500 triệu người sử dụng. Tới tháng 7 năm nay, Facebook đã có tổng cộng hơn 800 triệu người sử dụng. Tạp chí Vanity Fair từng chọn Zuckeberg là nhân vật số 1 trong Danh sách Top 100 người có ảnh hưởng nhất trong Thời đại Thông tin 2010. Sự vươn lên mạnh mẽ của Facebook cũng mang lại sự giàu có cho Zuckerberg. Tính tới năm 2011, anh đang có khối tài sản ước tính đạt 17,5 tỷ USD.
Dù giàu có nhưng Zuckerberg sống khá giản dị và thường xuyên chi tiền vào các hoạt động từ thiện. Đỉnh cao của việc này là vào tháng 12/2010, Zuckerberg, Bill Gates và nhà đầu tư Warren Buffett đã ký một cam kết mang tên “Giving Pledge” (cam kết cho đi), trong đó họ khẳng định sẽ quyên góp ít nhất nửa gia sản cho từ thiện, đồng thời sẽ tích cực kêu gọi những người khác làm theo tấm gương của bản thân.
Tường Linh (Tổng hợp)