'Mốt' xem bói học hành ở Hàn Quốc: Tìm kiếm tương lai nhờ sức mạnh tâm linh

Thứ Sáu, 06/09/2013 07:46 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Byun Mi-kyong ngồi im lặng, tay đặt trên đùi, gương mặt chăm chú lắng nghe khi một thầy pháp "phán" về cơ hội vào trường đại học lý tưởng của con gái bà.

Việc các cuộc thi đầu vào đại học ở Hàn Quốc trở nên quá đỗi khốc liệt, cực kỳ nhiều áp lực, đã khiến những người như Byun phải tìm mọi sự giúp đỡ, ngay cả từ những hoạt động mang tính tâm linh như bói toán.

Những lời vàng ngọc

Lâu nay các bậc phụ huynh Hàn Quốc vẫn đi xem bói để tìm hiểu xem con mình có thể thi tốt tới đâu. Nhưng giờ Byun và không ít người khác còn nhờ vào "sức mạnh huyền bí" của thuật bói toán để tìm ra các môn học, khóa luyện thi và cả những ngôi trường tốt nhất mà con họ nên tham gia.

Trong cái nắng nóng của mùa Hè, Byun tới nhà thầy pháp Choi Kuing-hun nằm ở Seongnam, thành phố ở ngoại ô Seoul. Bà đọc tên và ngày tháng năm sinh của cô con gái cho thầy Choi, một người đàn ông có giọng nói nhẹ như gió thoảng, mặc trang phục truyền thống Hàn Quốc màu trắng.


Byun Mi-kyong làm lễ tại nơi xem bói của thầy pháp Choi Kuing-hun

Nơi xem bói của thầy Choi rất rộng, có nhiều tượng sơn son thếp vàng và các bức tranh sặc sỡ vẽ nhiều vị thần. Byun ngồi yên trước một chiếc bàn nhỏ đối diện với thầy, khi ông lần giở các cuốn sách bói toán của mình để tìm hiểu vận mệnh con gái bà.

Trước sự tin tưởng gần như tuyệt đối của Byun, thầy phán rằng con gái bà sẽ vào được ngôi trường đại học mơ ước của cô, đặc biệt là những ngôi trường có chữ khởi đầu là J, D hoặc K. Thực tế cô con gái 19 tuổi của Byun hiện đang muốn vào trường Joongang, tên chính thức là Đại học Chung-Ang để học nghề y tá.

"Tôi không thể tâm sự với bất kỳ ai, nhưng đã có thể nói thẳng suy nghĩ của mình với ông ấy" - Byun thổ lộ với phóng viên Reuters, sau 10 phút nghe thầy phán - "Cảm giác như tôi đã được sự giúp đỡ rất lớn".

Đặt tương lai vào lời thầy pháp

Người Hàn Quốc thường xem tương lai của mình trong "Tojeong bigyeol", một cuốn sách tiên đoán tương lai truyền thống. Cuốn sách này được biết bởi Yi Ji-ham, một học giả sống dưới thời vương triều Joseon (1392-1910). Tới ngày nay, sách vẫn được các thầy pháp, thầy bói sử dụng trong việc đưa ra các lời khuyên về tương lai của ai đó. Cuốn sách giúp các thầy pháp có thể đọc được "saju" hay số phận. Saju được quyết định bởi 4 "trụ cột" trong cuộc đời của con người, gồm : năm, tháng, ngày và giờ sinh.

Janet Shin, một chuyên gia về saju và thường viết các bài bình luận hằng tuần về chủ đề này cho tờ Korea Times, nói rằng việc tìm hiểu về saju có thể giúp giảm bớt lo lắng và áp lực. Theo Shin, niềm tin truyền thống của người Hàn Quốc cho rằng năng lượng của trái đất, mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao xuất hiện vào thời điểm ai đó chào đời có ảnh hưởng lớn tới vận mệnh của họ. "Các năng lượng đó biến thành những con chữ và từ những con chữ đó, chúng tôi có thể đọc ra vận mệnh của ai đó. Tôi biết saju không đúng 100%, nhưng có 10-20% khả năng người ta có thể thay đổi thông qua nỗ lực của họ hoặc sự tác động từ môi trường bên ngoài" - bà nói.

Theo thầy pháp Choi, phụ huynh tới hỏi ông về triển vọng học tập và sự nghiệp của con cái thường rất coi trọng những lời khuyên nhận được. "Nếu tôi tư vấn các bậc phụ huynh, họ sẽ nghe theo nó một cách mù quáng, tin rằng điều này sẽ tốt cho con cái họ" - ông nói. Và mức phí để đi xem bói từ các thầy pháp như ông không hề rẻ, lên tới 50.000 - 100.000 won (45-90 USD) cho mỗi giờ tư vấn.

Mức phí xem bói không rẻ, nhưng nhiều phụ huynh Hàn Quốc vẫn không ngại vung tiền, với hy vọng thông tin thu được sẽ giúp ích cho con cái họ

Sức mạnh của tin đồn

Tuy nhiên giá cả đắt đỏ không thành vấn để bởi mọi sự động viên, dù là về mặt tinh thần, cũng đều có ích trong cuộc thi khốc liệt giành chỗ vào trường đại học ở Hàn Quốc. Có tới 600.000 học sinh tham gia thi tuyển đầu vào đại học mỗi năm và sự chuẩn bị thi cử của họ vô cùng kinh khủng. Học sinh phải vào các lò luyện, ôn thi trong hàng giờ đồng hồ, dù trước đó đã có cả ngày ngồi trên lớp.

Áp lực học hành lớn đã gây nhiều hậu quả đau thương ở Hàn Quốc. Số liệu thống kê chính thức cho thấy gần 40% thiếu niên Hàn Quốc cho biết các em có cảm giác muốn tự sát. Và năm nào tới mùa thi cũng có chuyện học sinh Hàn Quốc tự tử.

Kim Do-kyung đã bắt đầu việc chuẩn bị thi đại học từ sớm cho đứa con trai 13 tuổi của bà và đã tìm tới thầy pháp nổi tiếng Song Byung-chang để hỏi xem con mình nên tập trung học môn nào là tốt nhất. Tuy nhiên, bà thừa nhận đã tới đây chủ yếu chỉ vì tin đồn. "Rất nhiều phụ huynh đã tìm tới đây vì các bà mẹ kháo nhau rằng nhờ thầy Song, con họ đã thi tốt hơn kỳ vọng" - bà cho biết.

Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›