(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 27/9, các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã thực hiện bước đi cụ thể đầu tiên trong tiến trình điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump, theo đó gửi thư yêu cầu Ngoại trưởng Mike Pompeo nộp các tài liệu liên quan, đồng thời lên lịch trình lấy lời khai của các nhân chứng.
Trong thư, 3 ủy ban tại Hạ viện Mỹ - gồm Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Tình báo và Ủy ban Giám sát, ấn định thời hạn 1 tuần, tức đến ngày 4/10 tới, để Ngoại trưởng Pompeo nộp tài liệu. Các ủy ban này cho biết họ đang tiến hành điều tra "mức độ nguy hiểm đối với an ninh quốc gia mà Tổng thống Trump gây ra khi gây sức ép để Ukraine can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020".
Các ủy ban Hạ viện cũng công bố kế hoạch thẩm vấn 5 quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có cựu Đại sứ tại Ukraine Masha Yovanovitch, người được cho là đã bị cách chức đầu năm nay do phản đối nỗ lực của Tổng thống Trump gây sức ép với Kiev để thăm dò đối thủ đảng Dân chủ là ông Joe Biden. Các cuộc thẩm vấn, lấy lời khai dự kiến diễn ra từ ngày 2-10/10.
Bức thư trên do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel gửi tới Ngoại trưởng Pompeo, sau khi tham vấn Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff và Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Elijah Cummings.
Cùng ngày, gần 300 cựu quan chức đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ đã ký một lá thư ủng hộ cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ đối với Tổng thống Trump, trong bối cảnh vụ bê bối về cuộc điện đàm giữa ông và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thu hút sự chú ý của dư luận.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong thư, các cựu quan chức trên viết rằng những hành động của ông Trump liên quan nỗ lực thúc giục Tổng thống Zelensky mở cuộc điều tra về cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gây ra một "mối quan ngại an ninh quốc gia sâu sắc" đối với Mỹ và "đủ nghiêm trọng để tiến hành tố tụng luận tội".
Bức thư có chữ ký của nhiều cựu quan chức dưới thời các cựu Tổng thống Barack Obama, George W.Bush, trong đó có cựu Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ Matthew Olsen.
Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã xúc tiến một tiến trình luận tội Tổng thống, theo đó chỉ thị 6 ủy ban xúc tiến điều tra các hành động của Tổng thống. Theo Hiến pháp Mỹ, Hạ viện có quyền luận tội nếu xác định Tổng thống "phạm tội nghiêm trọng và đạo đức xấu".
Tuy nhiên trong lịch sử nước Mỹ, chưa có Tổng thống nào phải rời nhiệm sở vì bị luận tội. Phe Dân chủ hiện đang kiểm soát Hạ viện, song phe Cộng hòa của Tổng thống Trump đang nắm đa số tại Thượng viện.
Phan An - Đại Thắng/TTXVN
Tags