Mỹ: Nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

Thứ Hai, 14/01/2019 13:04 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Các nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã bày tỏ phản đối ý định của Tổng thống Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm gia tăng sức ép đối với việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico. Giới quan sát nhận định động thái này cho thấy những hoài nghi trong nội bộ đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump giữa lúc tình trạng đóng cửa một phần chính phủ chuẩn bị bước sang tuần thứ 4.   

Tỷ phú Trump đã thừa phiếu để thành ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa

Tỷ phú Trump đã thừa phiếu để thành ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa

Ngày 26/5, tỷ phú Donald Trump đã giành đủ số phiếu đại biểu cần thiết để chắc chắn được Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa vào tháng 7 tới chọn làm ứng cử viên đại diện cho đảng này tranh cử vào Nhà Trắng vào đầu tháng 11 tới.

Phát biểu với báo giới ngày 13/1, Thượng nghị sĩ Ron Johnson, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện, đã chỉ trích ý định của Tổng thống Trump sử dụng quyền ban bố tình trạng khẩn cấp để buộc quốc hội thông qua khoản ngân sách xây bức tường biên giới do ông đề xuất.

Đây là vấn đề mấu chốt gây bất đồng giữa phe Cộng hòa và Dân chủ, dẫn tới việc một phần Chính phủ Mỹ phải tạm thời đóng cửa do ngân sách hoạt động hết hạn từ ngày 21/12/2018. Ông cảnh báo nếu Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp, quyết định này sẽ đối mặt với rào cản pháp lý, đe dọa tới kế hoạch xây dựng bức tường.   

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Mỹ ở Washington DC. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Steve Scalise, nhân vật quyền lực thứ hai của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, cho biết viện quốc hội này không muốn một tình trạng khẩn cấp quốc gia ngay cả khi Tổng thống Trump có quyền ban bố một sắc lệnh như vậy.  

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ Lindsey Graham kêu gọi Tổng thống Trump và giới lập pháp tiếp tục đối thoại. Theo ông, nếu các cuộc đàm phán không đạt được tiến triển, khi đó mới nên ban bố một lệnh tình trạng khẩn cấp.   

Chỉ gần đây Tổng thống Trump mới không đề cập đến khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp, sau nhiều ngày dọa sẽ làm điều này như một cách để thoát khỏi tình trạng bế tắc giữa Nhà Trắng và Quốc hội trong vấn đề ngân sách. Ngày 12/1, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ hoãn tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp, khẳng định muốn cho các nghị sĩ Dân chủ thêm thời gian để có thể đạt được thỏa thuận về chi phí 5,7 tỷ USD xây dựng bức tường biên giới với Mexico.   

Trước đó, tại cuộc họp diễn ra ở Nhà Trắng ngày 11/1, Tổng thống Trump dọa nếu Quốc hội không thông qua ngân sách cho bức tường biên giới, ông sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng một hành động như vậy có thể gây ra một cuộc chiến pháp lý mà chỉ có thể kết thúc tại Tòa án Tối cao.   

Những người phản đối cũng cho rằng hành động đơn phương của tổng thống sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ Hiến pháp và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho những tranh cãi tương tự.   

Tranh cãi giữa hai phe trong Quốc hội Mỹ liên quan đến kế hoạch xây dựng bức tường biên giới đã khiến nhiều hoạt động ở Washington tê liệt, tác động đang càng gia tăng trên khắp đất nước khi Tổng thống Trump không ký thông qua ngân sách cho các khu vực chính phủ không liên quan đến tranh cãi này.   

Theo kết quả khảo sát do Washington Post/ABC News thực hiện và công bố, có tới 53% số người Mỹ cho rằng Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa là nguyên nhân khiến chính phủ đóng cửa một phần, trong khi con số này bên phía đảng Dân chủ là 29%. Một cuộc khảo sát khác của CNN cho thấy tỷ lệ không ủng hộ ông Trump đã tăng lên 57% chỉ trong vòng 1 tháng, so với 37% ý kiến ủng hộ.

Nước Mỹ năm 1995-1996 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng đóng cửa một phần chính phủ trong 21 ngày.

TTXVN/Thùy An

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›