(Thethaovanhoa.vn) - Cơ quan Phụ trách các dự án nghiên cứu quốc phòng tối tân (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đã lựa chọn tập đoàn Boeing để thiết kế, sản xuất và thử nghiệm tàu vũ trụ siêu thanh không người lái thế hệ mới với tên gọi Tàu Vũ trụ thử nghiệm 1 (XS-1) có khả năng bay 10 lần trong 10 ngày.
- Vượt 4,88 tỷ km trong 9 năm, tàu vũ trụ Mỹ 'sốc' trước sao Diêm Vương
- Trung Quốc bác bỏ cáo buộc thu thập công nghệ vũ trụ Mỹ
Tàu vũ trụ không người lái XS-1 có kích thước tương đương máy bay dân dụng, có khả năng cất cánh theo chiều thẳng đứng giống như cơ chế hoạt động của một tên lửa và bay với tốc độ siêu thanh.
Tuy nhiên, không giống như tàu vũ trụ X-37B của quân đội Mỹ, XS-1 được khởi động bằng các loại khí nén đông lạnh độc lập mà không cần dùng đến bộ tăng tốc bên ngoài. Khi đạt độ cao quỹ đạo nhất định, XS-1 sẽ thả một bệ phóng tự hủy có thể phóng vệ tinh với trọng lượng khoảng 1.360 kg vào quỹ đạo.
Sau khi hoàn tất, XS-1 trở về Trái Đất, hạ cánh giống như những chiếc máy bay thông thường và chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo chỉ trong vài giờ. Với công nghệ hiện này, việc phóng vệ tinh lên quỹ đạo phải mất tới nhiều tháng và thậm chí là nhiều năm chuẩn bị.
Theo DARPA, việc sản xuất XS-1 sẽ cần sự tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ, song điều này sẽ cách mạng hóa khả năng phục hồi những mất mát về vệ tinh quân sự hay thương mại mà Mỹ đang phụ thuộc vào.
Giám đốc Chương trình DARPA, ông Jess Sponablen nhận định XS-1 là sự kết hợp của một máy bay truyền thống và một phương tiện thông thường, với mục tiêu giảm 1/10 chi phí phóng và thay thế công nghệ đang ngốn nhiều thời gian để phóng như hiện nay với khả năng phóng theo yêu cầu.
Trong khi đó, Darryl Davis, Giám đốc mảng An ninh, Không gian và Quốc phòng của tập đoàn Boeing, khẳng định XS-1 được thiết kế để chuyển đổi tiến trình phóng vệ tinh, qua đó tạo ra khả năng phóng theo yêu cầu với chi phí thấp và rủi ro ít hơn.
Hãng Boeing sẽ tiến hành 10 lần thử nghiệm động cơ của XS-1 trong môi trường mặt đất trong khoảng thời gian 10 ngày liên tục để đảm bảo chắc chắn rằng XS-1 sẽ sẵn sàng cho chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2019.
Theo dự kiến đến năm 2020, XS-1 sẽ phải trải qua 12-15 lần bay thử nghiệm. Sau khi các chuyến bay thử nghiệm thành công, DARPA sẽ đưa XS-1 vào hoạt liên tục trong 10 ngày liên tiếp. Giai đoạn đầu XS-1 sẽ bay không tải trọng với tốc độ gấp 5 lần tốc độ của âm thanh. Các chuyến bay sau đó sẽ có tốc độ tương đương tàu Mach 10 và mang trọng tải từ 400-1.360 kg vào quỹ đạo Trái Đất.
Nếu chương trình này thành công, chi phí cho mỗi lần cất cánh của XS-1 là chưa đến 5 triệu USD, bao gồm cả chí phí cho bệ phóng tự hủy. Con số này chỉ bằng một phần rất nhỏ mức chi mà quân đội Mỹ đang phải chi ra cho các hệ thống phóng lượng trọng tải tương tự.
TTXVN
Tags