Manila hôm thứ sáu cho hay họ có kế hoạch thực hiện nhiều hơn các cuộc tập trận chung với Mỹ, cũng như cho phép quân đội Mỹ triển khai trên cơ sở luân phiên. Đề xuất này được Washington ủng hộ bởi Mỹ đang thực hiện chiến lược trở lại châu Á Thái bình dương và muốn mở rộng hiện diện quân sự tại khu vực.
Mỹ đã có kế hoạch điều 2.500 thủy quân lục chiến đến miền bắc Australia và triển khai một số tàu chiến ở Singapore. Tại châu Á Thái bình dương, Mỹ có các căn cứ quân sự trải dài từ Nhật Bản và Hàn Quốc xuống đến Guam và đảo Diego Garcia trên Ấn Độ dương.
|
"Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có nhiều nỗ lực hơn nữa hướng tới hòa bình và ổn định khu vực", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi thông báo tới AFP.
Tuy nhiên báo chí Trung Quốc không phản ứng nhẹ nhàng như vậy. Bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu, phụ bản của một cơ quan phát ngôn của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố rằng Bắc Kinh cần áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Philippines.
Bài xã luận có tiêu đề "Hãy để Philippines trả giá", cho rằng Bắc Kinh nên sử dụng "đòn bẩy để cắt giảm các hoạt động kinh tế", đóng băng "các mối liên hệ kinh tế với nước láng giềng nhỏ bé" này.
"Cần để các nước trong khu vực lân cận với Trung Quốc hiểu rằng đối trọng với Trung Quốc bằng cách đứng về phía Mỹ không phải là lựa chọn khôn ngoan", xã luận có đoạn.
"Các biện pháp trừng phạt chống Philippines sẽ cho nước này cơ hội lựa chọn giữa một bên là mất một người bạn như Trung Quốc với một bên là trở thành một đối tác yếu ớt của Mỹ".
Tờ Nhân dân Nhật báo bản ra hôm nay đăng ý kiến của các nhà phân tích người Trung Quốc cho rằng Philippines đang "đưa ra những thông điệp sai lầm".
Báo này dẫn lời ông Wang Junsheng, chuyên gia của Viện khoa học xã hội Trung Quốc, nói tín hiệu mà Philippines đưa ra có thể khiến Trung Quốc đánh giá sai ý định của Mỹ, gây nghi ngờ giữa hai nước.
Theo ý kiến của Wang, Philippines đã nhận được một thông điệp "rõ ràng nhưng sai lầm" rằng Mỹ ủng hộ đối đầu ở Biển Đông, và điều đó có thể khiến tình hình khu vực thêm phức tạp.
Một chiến lược gia quân sự của Trung Quốc tên là Peng Guangqian, cũng trên Nhân dân Nhật báo, thẳng thừng nói: "Cho dù nước ngoài có mạnh thế nào, họ không thể giúp người Philippines khẳng định chủ quyền" mà Trung Quốc cho là sai trái.
Kể từ năm ngoái, sau các vụ đụng độ với lực lượng của Trung Quốc trên Biển Đông, Philippines đã tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ, thể hiện trong hàng loạt cuộc tập trận ở phía tây nước này. Manila còn mua soái hạm của hải quân từ Mỹ và đang đặt mua thêm tàu tuần tra bờ biển cũng như máy bay chiến đấu.
Điều này phù hợp với chiến lược trở lại Thái Bình dương và tăng hiện diện quân sự theo chiến lược của Tổng thống Obama. Mỹ cũng nhiều lần ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông, chủ yếu kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình. Mỹ khẳng định sát cánh với Philippines trong vấn đề chủ quyền.
Biển Đông - nơi có tranh chấp chủ quyền giữa các nước gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia - là tuyến đường biển quan trọng đối với thương mại thế giới, và được cho là có nguồn tài nguyên dồi dào.