(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra vào ngày hôm qua khẳng định chính phủ Syria đã sử dụng khí sarin như một lời đáp lại yêu cầu cung cấp bằng chứng mà Tổng thống Nga Putin phát biểu trước công chúng.
Mỹ có bằng chứng chi tiết cho thấy một lượng lớn hóa chất gây ảnh hưởng đến thần kinh hay còn gọi là khí sarin đã được sử dụng trong vụ tấn công chết người gần Damascus hồi tháng trước, ông Kerry cho biết. "Những mẫu tóc và máu được tình báo Mỹ thu thập sau vụ tấn công đều có dấu hiệu của khí sarin". Những phân tích mà Mỹ có được đều được thu thập một cách riêng rẽ so với cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc ở Syria.
"Cùng với những bằng chứng cho thấy chính phủ Syria đã phóng tên lửa có khả năng mang theo chất hóa học trong vụ tấn công gần Damascus, có thể kết luận rằng đó chính là lượng khí sarin đã giết hại 1.429 người, trong đó có 426 trẻ em", ông Kerry nhấn mạnh.
Cho đến nay Mỹ luôn đổ lỗi cho chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/8 vừa qua. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ đã sẵn sàng cho một hành động trừng phạt với Syria nhưng ông muốn Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua trước. "Một hành động trừng phạt Syria" mà ông Obama ám chỉ chính là khả năng tấn công một cách hạn chế, sử dụng tên lửa hành trình và bom thông minh để phá hủy các cơ sở hóa học của chính phủ Syria.
Quốc hội Mỹ sẽ trở lại họp vào ngày 9/9 tới cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có một cuộc can thiệp quân sự vào Syria ít nhất là trong một tuần nữa. Ông Kerry tin rằng Quốc hội sẽ thông qua yêu cầu phát động của tấn công quân sự vào Syria của Tổng thống Obama.
Trong khi đó, chính phủ Syria luôn phủ nhận những cáo buộc cho rằng Syria đã sử dụng vũ khí hóa học. Thứ trưởng Ngoại giao Syria, ông Faisai Mekdad nói rằng việc ông Obama chờ đợi quyết định của Quốc hội chỉ là một biện pháp "chính trị nhằm kéo dài thời gian". Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong một tuyên bố ngày hôm qua cũng khẳng định: "Syria sẵn sàng chống lại bất cứ một cuộc tấn công nào đến từ phương Tây và Mỹ. Chính phủ Syria sẽ đẩy lùi lực lượng nổi dậy ra khỏi đất nước".
Theo BBC