Giới thiệu về phát hiện mới tại phiên họp lần thứ 225 của Hội Thiên văn Mỹ diễn ra ngày 6/1 tại thành phố Seattle, các chuyên gia cho biết trong số 8 hành tinh mới phát hiện, có khoảng 3-4 hành tinh có kích thước tương đương Trái Đất và nằm trong "Vùng Goldilocks" có điều kiện nhiệt độ không quá nóng hay quá lạnh, lý tưởng cho nước và sự sống hình thành.
Trong đó có 2 hành tinh có khả năng cao là có bề mặt đá rắn tương tự như Trái Đất, chứ không phải là tinh cầu khí hay băng tuyết. Theo kết quả mới nhất quan sát từ kính thiên văn vũ trụ Kepler, 2 hành tinh này còn nhận được nhiệt lượng từ ngôi sao chủ mà chúng quay quanh, tương tự trường hợp của Trái Đất và Mặt Trời.
Mặc dù có kích cỡ gần giống với Trái Đất nhất trong số các hành tinh được phát hiện từ trước tới nay, nhưng 2 hành tinh này vẫn ở cách Trái Đất quá xa, đặt ra không ít thách thức cho giới khoa học. 2 hành tinh, được đặt số hiệu Kepler-438b và Kepler-442b, lần lượt cách Trái Đất 470 năm ánh sáng và 1.100 năm ánh sáng. Kepler-438b là hành tinh có đường kính lớn hơn Trái Đất khoảng 12%, chu kỳ quỹ đạo 35 ngày và nhận được nhiệt lượng lớn hơn 40% so với lượng mà Trái Đất nhận được từ Mặt Trời.
Trong khi đó, Kepler-442b lớn hơn Trái Đất khoảng 34% và mất 112 ngày để hoàn thành 1 vòng quay quanh ngôi sao chủ của mình, nhiệt lượng mà Kepler-442b nhận được chỉ bằng khoảng 60% so với Trái Đất. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu 2 hành tinh này có bầu khí quyển giống với Trái Đất, nhiệt độ trên Kepler-438b sẽ vào khoảng 60 độ C trong khi Kepler-442b là -17 độ C.
Cũng nhân dịp này, NASA thông báo số hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời mà kính viễn vọng Kepler xác định được đã chạm mốc 1.000. Tổng cộng đến thời điểm hiện tại, các kính thiên văn của NASA đã giúp tìm ra hơn 1.800 hành tinh mới bên ngoài Hệ Mặt Trời.
TTXVN