New York với đề án chống biến đổi khí hậu táo bạo nhất thế giới

Thứ Năm, 20/06/2019 16:13 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 19/6, các nghị sĩ bang này đã thông qua một trong những luật chống biến đổi khí hậu tham vọng nhất thế giới với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí thải nhà kính vào năm 2050.         

WMO: Nhiều vùng đất có thể bị nước biển nhấn chìm do biến đổi khí hậu

WMO: Nhiều vùng đất có thể bị nước biển nhấn chìm do biến đổi khí hậu

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với đài Sputnik, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), bà Elena Manaenkova cho rằng nếu không có các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu thì tới cuối thế kỷ này, nhiều vùng đất sẽ bị ngập trong nước.

Theo đạo luật có tên gọi Đạo luật Đi đầu Chống Biến đổi khí hậu và Bảo vệ cộng đồng, tới năm 2050, ô tô chạy bằng xăng, các hệ thống sưởi và lò đốt sử dụng dầu sẽ bị thải loại hoàn toàn và toàn bộ điện sử dụng ở bang này sẽ được sản xuất từ các nguồn năng lượng sạch.

Đây là các biện pháp giúp bang New York thực hiện mục tiêu giảm được 85% mức ô nhiễm do Trái Đất nóng lên, so với mức của những năm 1990 và 15% còn lại sẽ được giải quyết bằng các biện pháp tách carbon dioxide khỏi không khí. Hiện nay, nhiều bang ở Mỹ do Đảng Dân chủ chiếm đa số đã thông qua các luật nhằm giảm khí thải nhà kính, đi ngược với quyết định của chính quyền Washington nới lỏng hoặc bỏ bớt các quy định bảo vệ môi trường cho các nhà máy điện và xe cộ. Dự luật này đã được Thượng viện bang New York thông qua ngày 19/6 và lập tức được chuyển tới Hạ viện. 

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Tuy nhiên, báo New York Times nhận định dự luật của bang New York đặt ra những mục tiêu chống biến đổi khí hậu "quá tham vọng", nếu không muốn nói là tham vọng nhất thế giới. Những thách thức để đạt được mục tiêu như vậy là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh số liệu mới nhất của bang đưa ra vào tháng 9/2018 cho thấy New York chỉ giảm được 8% khí thải nhà kính trong khoảng thời gian 1990-2015.

Ông Gavin Donohue, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất điện độc lập- tổ chức hiện cung cấp điện cho 3/4 bang New York nhận định rằng nếu luật này được thông qua thì người dân New York sắp tới sẽ phải trả rất nhiều tiền điện.         

Hiện còn rất nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời về việc liệu các ngành năng lượng, bất động sản và cộng đồng doanh nghiệp sẽ thích ứng như thế nào từ nay đến 2050 và chi phí sẽ là bao nhiêu nếu luật được thông qua và áp dụng. Các tập đoàn doanh nghiệp tại bang hiện đã lên tiếng cho rằng dự luật này không có tính thực tế và sẽ là thảm họa cho các công ty nếu họ buộc phải chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.         

Theo dự luật này, tới năm 2030, 70% sản lượng điện của New York sẽ phải khai thác từ nguồn gió, Mặt trời, nước và sau đó chuyển đổi hẳn sang các nguồn năng lượng phi carbon dioxide vào năm 2040. Nhưng để làm được như vậy thì toàn bộ các hoạt động kinh tế của bang New York cần phải sạch hơn nhiều, bao gồm các khu công nghiệp, hệ thống sưởi nhà dân và trong các tòa nhà văn phòng và hệ thống giao thông, bao gồm khoảng 10 triệu ô tô, xe tải và xe buýt.

Hiện New York sản xuất được khoảng 60% sản lượng điện từ các nguồn phi carbon dioxide, chủ yếu là từ các nhà máy thủy điện, các nhà máy điện hạt nhân và một phần nhỏ điện gió và điện Mặt trời. Để đạt được mục tiêu đề ra, bang New York dự định sẽ xây dựng các trang trại điện gió lớn và xúc tiến các chương trình lắp tấm điện Mặt trời trên mái nhà.         

Tuy nhiên các phương tiện giao thông, vốn là nguyên nhân của 1/3 khí thải nhà kính của bang, sẽ là vấn đề khó giải quyết hơn nhiều. Chính quyền của Tổng thống Trump hiện đang tìm cách giảm bớt các quy định đánh giá mức độ xả thải của phương tiện giao thông và ngăn cản các bang như bang New York tự đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn về kiểm soát khí thải môi trường.

Ngoài ra, khoảng 1/4 lượng khí thải của New York là từ nhà riêng và các tòa nhà văn phòng mà chủ yếu sử dụng hệ thống sưởi khí ga. Nếu luật mới được áp dụng, hầu hết các hệ thống này sẽ cần phải điều chỉnh để có thể chạy bằng nguồn điện phi carbon hoặc bằng năng lượng tái tạo.         

Hải Vân/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›