Nếu xảy ra vụ va chạm giữa tiểu hành tinh này với trái đất thì vụ nổ sẽ có sức mạnh hơn gấp 1.000 lần so với vụ nổ khối thiên thạch trên bầu trời Chelyabinsk, miền Trung nước Nga, hồi tháng 2/2013.
Tiểu hành tinh này được phát hiện qua mạng lưới kính thiên văn tự động Master được trường Đại học tổng hợp quốc gia mang tên Lomonosov (MGU) chế tạo cùng với sự hợp tác của Đại học Siberia và Đài quan sát Pulkovo.
Theo các nhà khoa học, tiểu hành tinh mới được đặt tên là 2014 UR116, có thể gây nguy hiểm cho ba hành tinh gồm trái đất, sao Hỏa và sao Kim. Giới chuyên gia xác định quỹ đạo của tiểu hành tinh này đang thay đổi thất thường vì nó cũng di chuyển gần sao Kim và sao Hỏa, trong khi lực hấp dẫn của các hành tinh này cũng có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo của nó.
Các nhà khoa học cho biết 2014 UR116 có đường kính khoảng 370-390m - kích thước được xem là “rất nguy hiểm” theo bảng phân loại, trong trường hợp va chạm với trái đất.
Theo bảng phân loại, kích thước của các vật bay vũ trụ có đường kính lớn hơn 100-150m đều nguy hiểm. Trong trường hợp va chạm với trái đất, chúng có thể gây ra thiệt hại đáng kể trên mặt đất hoặc sóng thần khổng lồ nếu rơi xuống biển.
Theo các nhà khoa học, hiện có khoảng 5.000 vật thể vũ trụ nguy hiểm, trong đó 2014 UR116 là tiểu hành tinh nguy hiểm thứ ba đã được phát hiện qua hệ thống kính thiên văn tự động Master. Do vậy, các chuyên gia đang nghiên cứu chi tiết hơn 2014 UR116 để xác định chính xác mối nguy hiểm thực tế mà tiểu hành tinh này có thể đe dọa hành tinh của chúng ta.