(Thethaovanhoa.vn) - Tuần này, Mỹ đã tiến hành diễn tập đánh bom các mục tiêu trên bán đảo Triều Tiên sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52, trong động thái nhằm thể hiện sức mạnh răn đe CHDCND Triều Tiên sau khi nước này đe dọa tiến hành chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên câu hỏi là liệu sự răn đe ấy của nước Mỹ sẽ có hiệu quả?
Không lực Mỹ ở Hàn Quốc thông báo hôm 19/3 rằng đây là lần thứ hai các máy bay B-52 Stratofortress của họ đã bắt đầu tập luyện ném bom các mục tiêu tại một thao trường ở Hàn Quốc.
Tín hiệu cảnh cáo
Không lực còn công bố nhiều bức ảnh về chiếc máy bay, cùng cảnh báo rằng quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã "sẵn sàng chiến đấu, được huấn luyện để sử dụng sức mạnh không quân nhằm trấn áp các hoạt động gây hấn và bảo vệ Hàn Quốc khỏi nguy cơ bị tấn công" .
Các quan chức Mỹ mô tả cuộc ném bom lần này và một cuộc trước đó diễn ra vào ngày 18/3 là hoạt động "thường lệ", trong khuôn khổ một cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little, những chiếc B-52 đã bay từ Căn cứ không quân Andersen ở Guam tới Hàn Quốc.
Ông chẳng úp mở gì khi nói rằng các chuyến bay của B-52 là nhằm phát đi một thông điệp cảnh cáo mạnh mẽ tới Triều Tiên, nước đã đe dọa tấn công phủ đầu hạt nhân vào Mỹ sau khi bị LHQ tăng cường cấm vận vì thử hạt nhân.
"Chúng tôi đang thu hút sự chú ý tới thực tế rằng chúng tôi có khả năng răn đe tầm xa và việc thể hiện khả năng này là rất quan trọng sau những tuyên bố khoa trương gần đây của Triều Tiên" - ông nói - "Chúng tôi đang tiến hành gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng mình có một cam kết liên minh rất mạnh với Hàn Quốc. Đây là sự tăng cường hoạt động huấn luyện để thể hiện sự kiên quyết của chúng tôi trong việc bảo vệ Hàn Quốc ".
Dù đã cổ lỗ nhưng B-52 vẫn là phương tiện răn đe hiệu quả |
Những chiếc B-52 nổi tiếng vì khả năng thả bom rải thảm, là loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa, ban đầu được thiết kế để có thể mang vũ khí hạt nhân và phục vụ cho các nhiệm vụ răn đe thời Chiến tranh Lạnh.
Chiếc máy bay này do Boeing nghiên cứu và chế tạo, chính thức đi vào trang bị của Không lực Mỹ kể từ những năm 1950. Cho tới nay công ty vẫn liên tục cung cấp sự hỗ trợ và nâng cấp cho B-52 để nó có thể tiếp tục chiến đấu trong thời hiện đại, với các phiên bản đang hoạt động là B-52H.
Tính tới năm 2012, vẫn còn 85 chiếc B-52 đang hoạt động và 9 chiếc nằm trong lực lượng dự bị. B-52 từng nằm dưới sự quản lý của Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược cho tới khi nó bị giải tán vào năm 1992 và tất cả máy bay được chuyển cho Bộ Tư lệnh Không chiến, trước khi dừng chân ở Bộ Tư lệnh Tấn công toàn cầu của Không lực.
Việc có khả năng hoạt động tuyệt hảo với tốc độ dưới âm và chi phí hoạt động khá thấp khiến B-52 tiếp tục được giữ lại, dù nhiều mẫu máy bay ném bom thế hệ sau đã ra đời như B-1B Lancer, B-2 Spirit. Ngay cả khi Không lực Mỹ đang nghiên cứu phát triển máy bay ném bom thế hệ kế tiếp và dự án máy bay ném bom 2037, lực lượng này vẫn muốn giữ các mẫu B-52H cho tới tận năm 2045, tức gần 90 năm sau khi B-52 đi vào hoạt động và qua đó lập kỷ lục về thời gian phục vụ lâu nhất của một mẫu máy bay ném bom quân sự.
“Việc Mỹ sử dụng B-52 đang làm tăng sự bất ổn định và đẩy Bình Nhưỡng tới chỗ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phát triển vũ khí hạt nhân để tồn tại” (Leonid Petrov, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại ĐH Quốc gia Australia). |
Không lực Mỹ tin cậy B-52 chủ yếu bởi nó vẫn là một chiếc máy bay ném bom hạng nặng hết sức hiệu quả và kinh tế (chi phí của B-52 là 72.000 USD/giờ bay cao hơn một chút so với mẫu B-1B, nhưng lại rẻ hơn nhiều so với 135.000 USD/giờ của B-2 Spirit). Hơn nữa, B-52 đặc biệt phù hợp để phục vụ cho các loại nhiệm vụ hình thành sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trong đó Mỹ phải chống lại các quốc gia có khả năng phòng không hạn chế.
Dù được thiết kế để thả vũ khí hạt nhân, với khả năng mang đến 20 quả tên lửa AGM-69 SRAM, nhưng cho tới nay B-52 toàn thả bom thông thường. Mỗi lần bay, B-52 có thể mang tới 32.000kg bom đạn, mìn, tên lửa hỗn hợp.
Theo hãng tin Yonhap, những chiếc B-52 đã để lại những ấn tượng khó phai mờ ở Triều Tiên, bởi trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, nó đã phá hủy phần lớn Bình Nhưỡng.
Và ngoài B-52, Mỹ còn phát đi hàng loạt các tín hiệu răn đe khác tới cho Triều Tiên, như tăng cường hệ thống tên lửa đánh chặn và điều tàu ngầm hạt nhân tới gần bán đảo Triều Tiên.
Nắn gân lẫn nhau
Theo Carl Baker, một chuyên gia của tổ chức tư vấn Pacific Forum, chắc chắn Triều Tiên sẽ chú ý tới các cuộc diễn tập giữa Mỹ - Hàn Quốc và sự xuất hiện của những chiếc B-52 trong các cuộc tập trận này. "Mỹ đang cố gửi tín hiệu rất mạnh tới cho Bình Nhưỡng rằng Washington sẽ không nhượng bộ, rằng nước này sẽ không trở lại bàn đàm phán chỉ bởi Triều Tiên đã thể hiện quyết tâm sở hữu vũ khí hạt nhân" - ông nói.
Nhưng trong khi Triều Tiên có vẻ như đã nhận được thông điệp từ Mỹ, nước này vẫn không lùi bước. Hôm 20/3, Triều Tiên đã gọi các chuyến bay B-52 của Mỹ là sự gây hấn không thể bào chữa, đã đẩy các bên gần tới chiến tranh.
Leonid Petrov, một nhà nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Australia nói rằng thời gian tới sẽ còn nhiều tuyên bố mạnh miệng như thế phát ra từ Triều Tiên. Ông cho rằng việc sử dụng B-52 đang làm tăng sự bất ổn định và đẩy Bình Nhưỡng tới chỗ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phát triển vũ khí hạt nhân để tồn tại.
Tường Linh (Theo USA Today)
Thể thao & Văn hóa