(Thethaovanhoa.vn) - Ngày Cá tháng Tư (1/4) vốn nổi tiếng với những trò đùa tinh nghịch. Tuy nhiên, đối với thế giới đang bị cuốn vào vòng xoáy dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, những người ưa thích tinh thần ngày “Cá tháng Tư” năm nay có thể phải đối mặt với song sắt cùng mức tiền phạt lớn trong bối cảnh nhiều quốc gia đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng phát tán tin giả về virus SARS-CoV-2.
Jaejoong, một thành viên của nhóm nhạc nổi tiếng JYJ, đã nói đùa trên Instagram rằng mình bị dương tính với virus SARS-CoV-2. Hậu quả là nam ca sĩ này đã phải đối mặt với sự chỉ trích trong và ngoài nước.
Theo đó, khi hay tin thần tượng nhập viện, người hâm mộ đã rất lo lắng để lại vô số tin nhắn chúc anh mau bình phục. Nhưng khoảng 1 giờ sau, nam ca sĩ này cập nhật bài đăng, tiết lộ đó là một trò chơi khăm và anh chỉ muốn "nâng cao nhận thức". Nhiều người, bao gồm cả người hâm mộ, sau đó đã chỉ trích Jaejoong mạnh mẽ, cho rằng điều này không phù hợp và không vui vẻ chút nào. Một người hâm mộ viết: “Xin hãy tôn trọng. Mọi người ngoài kia đang đau khổ”.
Sự bùng phát đại dịch COVID-19 cũng đi kèm với hàng loạt thông tin sai lệch cùng những tin đồn thất thiệt, khiến các chính phủ gặp không ít khó khăn trong nỗ lực đảm bảo an toàn cho người dân. Một số nước thậm chí cảnh báo phạt tù đối với những trò đùa liên quan tới virus SARS-CoV-2.
Được xem là hình mẫu tiêu biểu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Đài Loan (Trung Quốc) đã cảnh báo những người tung tin đồn thất thiệt có thể đối mặt với mức án lên tới 3 năm tù giam và bị phạt 100.000 USD. Trên tài khoản Facebook, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn đăng 1 bức ảnh chụp một trong những chú mèo của bà cùng lời nhắn: “Vào ngày ‘Cá tháng Tư’, chúng ta có thể thể hiện khiếu hài hước của mình, song không được pha trò về đại dịch nếu không muốn phạm pháp. Tôi chúc mọi người có một ngày ‘Cá tháng Tư’ không chỉ vui vẻ mà còn lành mạnh và an toàn”.
Tương tự, Thái Lan cũng thực hiện chính sách cứng rắn khi cảnh báo bất kỳ ai nói đùa hay tung tin giả về COVID-19 có thể phải “bóc lịch” tới 5 năm. Trên tài khoản Twitter, Chính phủ Thái Lan nêu rõ: “Việc nói dối rằng mình bị mắc COVID-19 là trái pháp luật”.
- Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật mới nhất: Thêm 6 ca mắc COVID-19
- Ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ: Người dân cả nước hưởng ứng chống dịch COVID-19
- Dịch COVID-19: Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định công bố dịch nhằm huy động sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị
Trong khi đó tại Ấn Độ, nơi thông tin sai lệch - đặc biệt là trên WhatsApp - vẫn là một vấn đề nhức nhối, các chính trị gia cũng đã đưa ra lời kêu gọi tương tự. Người đứng đầu cơ quan nội vụ bang Maharashtra nhấn mạnh: “Chính quyền bang sẽ không cho phép bất cứ ai lan truyền tin đồn hay sự hoảng loạn về virus corona”. Trong khi đó, người phát ngôn cảnh sát Mumbai Pranay Ashok kêu gọi công dân xác minh thông tin và chỉ chia sẻ những thông điệp từ các nguồn tin đáng tin cậy, đồng thời cảnh báo bất cứ ai lan truyền thông tin sai lệch sẽ bị truy tố.
Nhiều công ty lớn như Google cũng thông báo đến các nhân viên về việc hủy bỏ những trò đùa trong ngày “Cá tháng Tư” như truyền thống hằng năm để thể hiện sự tôn trọng đối với những người đang chiến đấu chống đại dịch COVID-19. Google cũng yêu cầu các nhà quản lý tạm dừng bất kỳ trò đùa nhỏ nào trong bộ phận của họ được lên kế hoạch cho ngày “nói dối”.
Phương Oanh - TTXVN
Tags