(Thethaovanhoa.vn) - Là phụ nữ nhưng Jill Abramson mang trong mình dòng máu một chiến binh, không sợ hãi, không rụt rè, xông pha và quyết đoán. Ngày mà Jill nhận quyết định trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên của New York Times (NYT) trong tuổi đời 160 năm lịch sử của tờ này, tờ Gurdian gọi bà là “Người đàn bà làm nên lịch sử”.
Đầu tiên của đầu tiên
Tại Mỹ, tới năm 1971, phụ nữ vẫn còn bị cấm gia nhập Câu lạc bộ Nhà báo quốc gia. Ngay như Jill Abramson, năm 1972, quyết định học Trường Harvard (vốn trọng nam) mà không phải là Radclffe (chỉ dành cho nữ), bạn bè đã hết sức can ngăn. Điều đó khiến bà càng quyết tâm tấn công vào lãnh địa nam giới, thậm chí có thời điểm cả căn-tin trường chỉ có Jill và một người bạn gái là phái nữ.
Rất ít phụ nữ lọt vào được tờ nhật báo hàng đầu của nước Mỹ, nếu có, lại bị trả lương thấp hơn nam giới rất nhiều. Năm 1974 tại NYT om xòm vụ 7 nhà báo nữ kiện NYT tội phân biệt đối xử và đã làm bùng phát một vụ tiếp theo của gần 600 nhân viên nữ kiện ngay tờ báo của mình. Dù đã thỏa thuận được với nhau sau đó nhưng nền “văn hóa đàn ông” vẫn còn tiếp tục tồn tại khá lâu.
|
Lý lịch trích ngang tại NYT của bà có nhiều gạch đầu dòng mang tính “đầu tiên”: Nữ trưởng chi nhánh Washington đầu tiên, nữ trưởng ban tin tức đầu tiên (ở New York) và giờ đây là nữ tổng biên tập đầu tiên. Để có được 3 cột mốc “đầu tiên” ấy, Abramson đã phải đi một đoạn đường khúc khuỷu, cam go hơn tất cả những gã đàn ông đồng nghiệp khác.
Sự cứng rắn làm nên chất thép trong con người Jill Abramson. Một ví dụ nhỏ, cách đây gần 6 năm, tháng 5/2007, Jill Abramson bị một chiếc xe tải đông lạnh tông vào xe, và được đưa tới bệnh viện trong tình trạng gãy xương chậu, chân, chấn thương nội tạng. Suốt ba tuần trong bệnh viện, hàng tháng ngồi xe lăn, được các bác sĩ khuyên nghỉ ngơi và sẽ phải mất rất lâu để đi lại bằng nạng. Đáp lại, trong vòng một năm, Abramson ngày nào cũng leo lên một ngọn núi ở Công viên quốc gia Yellowstone. Bà tập hăng say nhưng họa vô đơn chí, một lần bà bị trượt chân gãy cổ tay, trật khớp vai và được cấp tốc đưa vào bệnh viện bằng trực thăng, các bác sĩ lại phải chèn thêm kim loại vào người bà. Nhưng chỉ ít lâu sau đó, cả tòa soạn NYT lại thấy đồng nghiệp của mình chống nạng đi làm và hăng say như thể chưa xảy ra chuyện gì. Khi có người hỏi rằng vụ tai nạn ấy có làm giảm đi những tham vọng của mình, Abramson đã nói rằng: “Báo chí là tôn giáo của tôi”.
Bạn thân của Abramson, Jane Mayer, phóng viên tờ The New Yorker, nói rằng khó có thể tìm được một người đàn bà nào mạnh mẽ hơn Abramson, nếu ở Anh quốc có bà đầm thép Thatcher thì NYT có bà đầm xám Jill Abramson.
Không khuất phục
Jill Abramson làm việc ở Washington cho tờ The Wall Street Journal hơn chín năm và sau đó vào NYT từ năm 1997. Trước đó khi còn ngồi giảng đường đại học, Abramson đã là biên tập viên mảng Văn hóa của tờ The Independent Harvard và cộng tác suốt 3 năm với tờ Time. Sau khi ra trường, Abramson dành trọn gần một thập niên để làm phóng viên cao cấp cho The American Lawyer, sau đó, năm 1986 (ở tuổi 42) Abramson trở thành chủ bút của tờ pháp lý Legal Times tại Washington. Cá tính mạnh mẽ, muốn bứt phá của Abramson đã khiến bà không muốn tại vị lâu. Bà luôn muốn mở rộng mảng điều tra như kỹ năng chính của mình, 2 năm sau Abramson từ bỏ vị trí tổng biên tập để về làm phóng viên điều tra cho tờ The Wall Street Journal.
Ở vị trí này, bà đã lọt vào mắt xanh của Joe Lelyveld, biên tập viên điều tra kỳ cựu của NYT. Joe Lelyveld nhớ lại ở thời điểm 1994 ông đã nói với các đồng nghiệp rằng ông thấy rất xấu hổ khi chẳng có mống nữ nào trong ban của mình và các cuộc họp tin tức gần như không thấy bóng dáng đàn bà. “Tôi hiểu không phải phụ nữ nào cũng tốt nhất trong công việc, nhất là khi họ thất bại và bị ghét thì điều đó thật kinh khủng nhưng nếu họ làm được việc thì đó là một thành công khó diễn tả được”, Lelyveld nhớ lại. Và Joe Lelyveld đã nghĩ ngay đến Jill Abramson “cô phóng viên điều tra cứng cựa của tờ The Wall Street Journal”. Lập tức, ông mời Absamson về báo mình.
Về NYT, Abramson sớm có những bài điều tra chấn động mà một trong số đó là loạt bài phanh phui vụ tai tiếng của Tổng thống Clinton với cô thực tập sinh Lewinsky, chưa kể những loạt bài phản đối Tổng thống Bush gửi quân tham chiến ở Iraq. Cách viết thẳng tưng đến lạnh lùng của Abramson luôn là nỗi khiếp đảm của các chính trị gia. Nhiều người bảo sự lạnh lùng của Abramson có thể khiến núi lửa đóng băng. Và người phụ nữ này không chỉ quyết liệt trong những bài viết.
Khi mới về NYT, Abramson nhanh chóng trở thành con cưng của cả tòa soạn và sau đó làm trưởng chi nhánh tại Washington. Nhưng khi tổng biên tập Howell Raines mới về, lập tức bà trở thành cái gai trong mắt ông. Cá tính của Raines lúc nào cũng sôi sùng sục, cáu bẳn và khinh khỉnh, điều ấy có nghĩa ông không muốn có một thuộc hạ cũng cứng đầu giống mình. Raines báo cáo với cấp trên Abramson quá chậm chạp, không hợp với vị trí trưởng chi nhánh Washington. Nhưng ông không phải đợi câu trả lời lâu bởi ngay sau đó Abramson viết thẳng một bức thư lên chủ tịch tập đoàn yêu cầu: “Hoặc tôi hoặc ông ấy”. Ông chủ Arthur Ochs Sulzberger Jr. đã hỏi bà: “Vậy tôi phải làm gì để bà được hạnh phúc?”. Abramson đã trả lời: “Chỉ cần giữ cho đế giày của Howell Raines không đụng đến mông tôi!”. Và cuối cùng, Raines phải ra đi, Abramson được đề bạt làm trưởng ban tin tức ở New York!
Và tháng 9/2011, Jill Abramson trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên của NYT.
Nhiều người nghĩ chính tính cách không biết sợ giúp bà lên cao nhưng chính Abramson thổ lộ rằng “không phải là tôi sợ mà quan trọng tôi biết tờ báo này cần gì. Những nguyên tắc đạo đức, nguyên tắc nội dung, đưa tin trong suốt 160 năm qua mới là điều họ cần và tôi đáp ứng được điều đó”. Trong nguyên tắc đạo đức của mình, Abramson là tổng biên tập báo hiếm hoi thường xuyên xuống thăm các phòng ban, bà cũng là người kiên quyết giữ lại các văn phòng nước ngoài trong khi các tờ báo đối thủ như The Washington Post hay The Chicago Tribune đang từ từ bỏ dần. Bà cũng đề cao phụ nữ trong tờ báo gần 1.200 nhân viên của mình, giờ đây ít nhất có 40% nội dung trên các cột báo quan trọng nhất của NYT là do phụ nữ đảm trách.
Bên cạnh đó, Abramson là người rất yêu công nghệ và bà rất chú trọng đẩy mạnh việc thu phí xem báo mạng NYT. Cho dù nhiều nhà phân tích cho rằng đó là hướng đi sai thì thực tế, số lượng báo in đang giảm dần nhưng người đọc báo mạng NYT có thu phí đã lên con số 46 triệu người trong một tháng, trở thành tờ báo mạng hàng đầu thế giới, chỉ thua tờ Daily Mail
N. Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần