(Thethaovanhoa.vn) - Đệ nhất phu nhân một thời của Argentina, Evita Perón, không gây ra cảm xúc trung dung - người ta tôn bà lên ngôi thánh nữ hay căm thù bà. Chính quyền quân sự thì sợ bà. Xác bà mất tích ngót hai thập kỷ chỉ vì người ta muốn làm lu mờ ánh hào quang của một người đã chết.
Khi một trung đội lính
... tấn công vào trụ sở Công đoàn công nhân CGT ở Buenos Aires để bắt cóc người phụ nữ quyền lực nhất Argentina, chúng chỉ tìm được một hoa hậu đang ngủ. Một nhân viên trang điểm đã nhuộm vàng tóc María Eva Duarte de Perón và bác sĩ người Tây Ban Nha Pedro Ara mất gần một năm ròng để làm cho thi thể của bà được giữ gìn vĩnh viễn, phủ một lớp bảo vệ đặc biệt khiến làn da trông mềm mại như đang sống.
Ngày 26-7-1952 phu nhân của tổng thống thời ấy Juan Perón qua đời quá trẻ ở tuổi 33, khi bà đang ở đỉnh cao danh vọng. Đối với lớp người nghèo và công nhân Argentina bà là biểu tượng của giấc mơ Argentina: Con gái ngoài giá thú của một gia đình tỉnh lẻ đã vượt qua mọi bậc thang tưởng chừng vô vọng để trở thành người phụ nữ giàu có nhất và có ảnh hưởng mạnh nhất sau khi lọt vào mắt xanh của Tổng thống, để rồi cả đời chỉ phấn đấu bảo vệ những người thiệt thòi trong xã hội.
“Evita không có học vấn cao, nhưng bà là người tinh đời“, nhà sử học Ursula Prutsch đồng thời là tác giả tiểu sử của Evita nhận xét. “Chưa bước chân vào chính trường bao lâu bà đã thông tỏ mọi ngóc ngách mưu mô có thể gây hại cho mình cũng như các cơ hội biến chúng thành cơ may thuận lợi.“ Bà lập một quỹ từ thiện, trao qua cho các gia đình nghèo, biến mình thành một vị thánh từ tâm cho người bệnh.
Trong các bài diễn thuyết đầy nhiệt huyết, bà đòi tái phân chia sự phồn vinh trong cộng đồng và quyền tham chính cho công nhân và phụ nữ: lần đầu tiên phụ nữ nước này được bầu cử, và bản thân Evita cũng dự định ứng cử cho ngôi phó tổng thống – một cuộc cách mạng trong lịch sử Argentina!
Vị thánh của người nghèo
... trở thành tâm điểm căm ghét của giới nhà giàu và bảo thủ. “Ung thư muôn năm!“, chỉ vài giờ sau khi Evita qua đời người ta đã đọc thấy dòng chữ trên tường lâu đài phủ tổng thống.
Nhưng chính cái chết đã tạo ra thần thoại Evita. Người Argentina tổ chức những cuộc rước dài dằng dặc để tiễn đưa nữ anh hùng dân tộc, hoa chất như núi hai bên phố chính của thủ đô Buenos Aires, hai tuần liền Evita nằm trong một quan tài mở để hàng trăm ngàn người đến phân ưu trong mùa mưa tầm tã.
Người hâm mộ gửi 26.000 đơn thỉnh cầu đến Giáo hoàng xin phong thánh cho bà. Họ còn dự định xây mộ bà như một đài tưởng niệm cao hơn cả tượng Nữ thần Tự do ở New York! Nhưng công trình ấy không được thực hiện.
Năm 1955, phái quân sự đảo chính Juan Perón, khiến ông phải lưu vong qua Tây Ban Nha. Bốn tuần sau khi tiếm quyền, chính phủ quân sự cử một trung đội đến trụ sở CGT cướp xác Evita nhằm xoá hết mọi ký ức về tư tưởng hệ Perón. Các tướng lĩnh đảo chính sợ hình bóng Evita tạo nên một đức tin trường tồn có tác dụng duy trì tinh thần chống đối.
Từ đó bắt đầu một chuyến lưu lạc kỳ dị kéo dài gần hai chục năm. “Cái chết sớm của Evita Perón biến bà thành một biểu tượng hùng mạnh“, đạo diễn phim Pablo Aguero nói; ông là người tái tạo mọi diễn biến trong gần hai mươi năm đó trong phim “Eva không ngủ“
Những kẻ bắt cóc không tin đó là xác ướp của Evita vì màu sắc quá sinh động, chúng phải cắt một ngón tay đem đi xét nghiệm. Nghi vấn đó cũng không hẳn vô lý, vì bác sĩ Pedro Ara từng dự tính đánh lạc hướng âm mưu ấy bằng cách làm ra một tượng sáp giống như thật.
Xác ướp của Evita bị chuyển đi chuyển lại giữa nhiều địa điểm bí mật, khi thì trong một rạp chiếu phim, lúc bị đem đến một trại lính hay thậm chí ở nhà riêng một đặc vụ. Đó cũng là nguồn gốc của vô vàn giai thoại mang tính truyền thuyết.
Một tướng quân đội từng giữ xác Evita trong nhà một đêm nghe có tiếng kẻ trộm vào nhà, rút súng bắn vào bóng đen đó – chính là vợ mình đang có mang. Lính chở xác đã bị bỏ bùa đến nỗi bắn chết lẫn nhau. Hay một tai nạn giao thông làm hỏng kế hoạch chôn Evita ở nghĩa trang Palermo thuộc Buenos Aires .v.v.
Đại tá Héctor Eduardo Cabanillas
... rốt cuộc được trao nhiệm vụ chuyển xác ướp ra khỏi biên giới. Sứ mệnh này bí mật đến nỗi “chính tổng thống đương nhiệm Aramburu cũng không được biết chi tiết“, như Cabanillas sau này kể lại. “Eva Perón được gán tên María Magi de Magistris với lý lịch hư cấu là một goá phụ Ý qua đời ở Argentina để đem sang Milano chôn cất. 16 năm ròng Cabanillas ngậm miệng, để mặc tin đồn lan ra khắp nơi, rằng xác Evita bị đốt hay ném xuống biển...
Trong thập kỷ 1970 du kích quân cánh tả bắt cóc Montoneros Aramburu, lúc ấy đã không còn giữ ngôi tổng thống nhưng vẫn bị nghi là đã ra lệnh cướp xác Evita. Do bản thân người cầm đầu chính quyền quân sự cũ cũng không biết và cũng không thể cung cấp thông tin cụ thể, ông ta bị hành hình bằng một viên đạn vào đầu.
Sau đó du kích tuyên bố chỉ trao lại xác cho gia đình ông ta nếu Evita cũng được mai táng tử tế. Toàn bộ sự việc dần dần mang quy mô chính trị, chính quyền Buenos Aires phải cầu cứu Juan Péron đang lưu vong ở nước ngoài.
Năm 1971, Cabanillas lại nhận lệnh mới: đem xác Evita từ Ý về để trả lại cho Juan Perón. Tình trạng quá hoàn hảo của xác ướp khiến mọi người bất ngờ. Bản thân Perón ở Madrid khi đón nhận xác vợ ở Madrid cũng thấy Evita “như một búp bê sinh động, chỉ nhắm mắt ngủ“. Perón để bà ngồi cạnh bàn ăn và cùng vợ mới Isabel hằng ngày chải tóc cho bà!
Tháng 10-1973, Perón được bầu lên ngôi tổng thống lần thứ ba và phong Isabel làm phó tổng thống. Năm 1974, sau khi ông qua đời, Isabel đưa xác Evita từ Tây Ban Nha trở về Argentina và chôn cạnh Perón, nhưng đất nước bất hạnh này lại rung chuyển bởi cuộc đảo chính mới. Năm 1976, chính quyền độc tài quân sự mới chuyển mộ bà vào hầm mộ gia đình Duarte, nơi người dân Argentina và du khách thường xuyên đến thăm như một điểm hành hương.
Hiện nay, Evita được xem như một thương hiệu giúp ngành du lịch tăng doanh số. Khắp nơi có các sản phẩm mang hình ảnh bà, hàng quán mang tên bà, biển hiệu khoe được bà từng đặt chân đến thăm v.v. Nữ tổng thống Cristina Elisabet Fernández de Kirchner luôn bắt chước phong cách của Evita và diễn thuyết với ảnh Evita sau lưng.
Evita nằm sâu dưới đất dưới một tấm thép dày – phe quân sự sợ bà lại bị lưu lạc lần nữa và châm ngòi cho tình trạng bất ổn chính trị.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags