(Thethoavanhoa.vn) - Mường Lò - Nghĩa Lộ - thị xã miền tây của tỉnh Yên Bái, không chỉ nổi tiếng là vùng gạo trắng nước trong với cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai ở vùng Tây Bắc mà còn là nơi cư ngụ đông đúc và lâu đời của người Thái Đen với nhiều nét văn hóa độc đáo. Bên cạnh hệ thống ngôn ngữ, chữ viết, người Thái Mường Lò còn có nhiều lễ hội dân gian, nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu dân ca, dân vũ... trong đó phải kể đến điệu múa xòe, đặc biệt là 6 điệu xòe cổ hay “xé cáu ké”.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, người Thái Mường Lò không làm mất đi bản sắc văn hóa... 6 điệu xòe cổ gồm; điệu xòe vòng (xé vóng); điệu vòng tròn vỗ tay (ỏm lọm tốp mứ); điệu tung khăn (nhôm khăn); điệu bổ bốn (phá xí); điệu tiến lùi (đổn hôn); điệu nâng khăn mời rượu (khắm khăn mơi lảu) chính là khởi nguồn cho 36 điệu xòe khác vẫn được người Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ gìn giữ và lưu truyền với mong muốn về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc...
Chúng tôi đến Mường Lò - Nghĩa Lộ vào những ngày cuối cùng của năm 2013. Nơi đây, gần như bản làng nào của người Thái cũng có một đội múa xoè. Những thiếu nữ Thái với chiếc áo cỏm mềm mại, váy nhung huyền căng tràn sức trẻ, thướt tha như bước ra từ trong câu truyện cổ. Những điệu xoè cổ còn lưu truyền nơi đây như đưa ta về thủa hồng hoang. Câu hát mời gọi đưa nhịp chân du khách cuốn vào vòng xoè…
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ phấn khởi cho biết: Trong những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều hoạt động gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân nơi đây. Đặc biệt là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” thị xã Nghĩa Lộ đã đầu tư, nghiên cứu, sưu tầm và tổ chức truyền dạy những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, trong đó có 6 điệu xòe cổ của đồng bàoThái cho các thế hệ trẻ.
Đến nay tất cả 7 xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ đều có đội văn nghệ, trong đó 6 điệu xòe được coi là mũi nhọn. Chính những hoạt động tích cực của các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở đã góp phần gìn giữ, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Thái nơi đây. Nhiều lễ hội đã được khôi phục, tổ chức, đáp ứng được nhu cầu của bà con, từ đó làm phong phú thêm đời sống tinh thần cuả người dân nơi này. Điển hình là đội văn nghệ bản Đêu - xã Nghĩa An hay đội văn nghệ bản Tông Pọng - phường Tân An, đội văn nghệ bản Cang Nà - phường Trung Tâm...
Trước đây, không phải đội văn nghệ nào cũng biết thể hiện các điệu xòe cổ. Do vậy, chính quyền địa phương rất quan tâm tới việc mời các nghệ nhân hiểu sâu sắc về 6 điệu xòe cổ tổ chức truyền dạy cho lớp trẻ. Một trong những người có công lớn là ông Lò Văn Biến, một nghệ nhân dân gian dân tộc Thái, ở Bản Căng Nà, phường Trung Tâm, ông chia sẻ: Là một trong số ít người hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc Thái và thể hiện được thuần thục 6 điệu xòe cổ nên trong suốt thời gian qua ông đã không mệt mỏi dày công nghiên cứu và truyền dạy cho đội văn nghệ của bản mình. Giờ đây thành viên trong các đội văn nghệ đều thành thạo các điệu xòe cổ… Cũng theo ông Lò Văn Biến thì việc truyền dậy cho các thế hệ con cháu biết và cảm nhận được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc mình chính là niềm vui, là việc làm có ý nghĩa lớn nhất đối với cuộc đời ông.
Người Thái Đen Mường Lò có nguồn gốc và quá trình hình thành với gần nghìn năm lịch sử. Chính trong bề dày lịch sử ấy, người Thái đã biết xây dựng cho mình một truyền thống văn hóa riêng, độc đáo mà ở đó chứa đựng đầy đủ các giá trị nghệ thuật, giá trị nhận thức, giáo dục, giá trị thẩm mỹ. Trong đó xòe cổ chính là một trong những yếu tố tạo nên những giá trị ấy. Và màn đại xòe xác lập Kỷ lục Việt Nam, với sự tham gia của hơn 2000 nghệ nhân, diễn viên chuyên và không chuyên được thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái tổ chức ngày 29/9/2013 nhân dịp kỉ niệm 55 năm ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2013) chính là sự khẳng định giá trị trường tồn của 6 điệu xòe cổ - một sắc thái làm nên văn hóa tộc người Thái Mường Lò.
Múa xòe - một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Thái Đen Mường Lò. Chính trong lao động sáng tạo cùng với lối ứng xử đẹp của con người với con người, của con người với tự nhiên đã tạo ra loại hình nghệ thuật xòe cổ độc đáo, chứa đựng những nét văn hóa riêng có của đồng bào Thái. Trong các điệu múa xòe cổ đó chứa đựng đầy đủ các yếu tố để khẳng định là một giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật, giá trị giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ trong kho tàng văn hóa dân gian.
Những giá trị ấy không chỉ tạo nên môi trường văn hóa để nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng người Thái mà còn có tác động tích cực tới đời sống tinh thần của các dân tộc anh em cùng chung sống. Do vậy việc gìn giữ phát huy và bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của Người Thái Mường Lò mà đặc biệt là 6 điệu xòe cổ là việc cần thiết không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân nơi đây mà còn góp phần “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII ) của Đảng đề ra.